MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cây di sản Việt Nam tại đền Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả. Ảnh: Đoàn Hưng

Công việc chăm sóc cây di sản Việt Nam vừa được công nhận tại Quảng Ninh

Đoàn Hưng LDO | 13/03/2024 17:42

Hội đồng Cây di sản Việt Nam vừa trao Quyết định công nhận 16 cây có tuổi đời hơn 100 năm tại thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh là Cây di sản Việt Nam. Bên cạnh những giá trị về lịch sử, văn hóa, nhiều người tò mò về tiêu chuẩn trong chế độ chăm sóc của những cây đặc biệt này.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động ngày 12.3, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Hải - Phó Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam - cho biết: “Khi các cây được công nhận là Cây di sản Việt Nam, chúng tôi sẽ theo dõi sức khỏe, thăm khám sâu bệnh các loại cây này rồi tư vấn cho địa phương có một chế độ chăm sóc để giữ cây được bền và lâu nhất có thể".

Cách chăm sóc cây rất quan trọng, lạm dụng phân bón quá, cho quá nhiều đất cũng không ổn, nhiều nơi đổ cả bê tông xung quanh gốc cây kín mít. Hay một số loại côn trùng gây hại, cây bị suy kiệt dinh dưỡng. Tất cả những vấn đề này, những chuyên gia về thực vật trong Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam sẽ cùng địa phương tìm giải pháp.

Cây đa trên 150 năm tuổi, trước cửa chùa Cẩm Sơn Tự, thành phố Cẩm Phả được công nhận Cây di sản Việt Nam. Ảnh: Đoàn Hưng

Những Cây di sản Việt Nam được công nhận trong lần này đều gắn với điểm di tích thể hiện sự chăm sóc, gìn giữ cây qua nhiều thế hệ. Những cây này không chỉ tỏa bóng mát, bảo vệ môi trường mà còn giữ lại những nguồn gen quý cho quốc gia.

"Trao quyết định cây di sản cho địa phương, chúng tôi mong muốn cộng đồng, các cấp chính quyền, du khách nâng cao ý thức trách nhiệm về gìn giữ cây di sản quốc gia”, ông Hải nói.

Theo hồ sơ của Hội đồng Cây di sản Việt Nam, 16 cây di sản được trao Quyết định lần này gồm: 2 cây đa (trên 150 năm tuổi), 9 cây nhãn (khoảng 200 năm tuổi) và 1 cây long não (trên 130 năm tuổi) nằm trong khuôn viên Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông - Cặp Tiên thuộc phường Cửa Ông và 3 cây thông (khoảng 200 năm tuổi), 1 cây trám trắng (trên 200 năm tuổi) tại khuôn viên miếu Ba Cây Thông thuộc xã Dương Huy.

Nguyên tắc đề ra để công nhận cho 3 nhóm cây, bao gồm cây tự nhiên, cây trồng và cây khác, trong đó mỗi loại cây có tiêu chí cụ thể. Tuy nhiên các tiêu chí chủ đạo là: cây to, hùng vĩ; có hình dáng đặc sắc; đang trong tình trạng khỏe mạnh; có tuổi đời lớn; ưu tiên các loại cây đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm.

Riêng đối với nhóm cây khác, tiêu chí ưu tiên là cây có giá trị đặc biệt về thẩm mỹ, văn hóa, lịch sử hoặc giá trị đặc biệt về khoa học; cây tổ hoặc cây mẹ có thể cung cấp vật liệu để nhân giống hoặc lai tạo…

Hiện có trên 7.000 cây được công nhận là Cây di sản Việt Nam, bao gồm quần thể cây hoặc các cây trồng đơn lẻ gắn với các công trình đình, đền chùa, miếu, di tích.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn