MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều công nhân lao động xứ Nghệ rời TPHCM và các tỉnh phía Nam về quê ăn Tết sớm. Ảnh: Quỳnh Trang

Công việc khó khăn, công nhân xứ Nghệ rời miền Nam về quê ăn Tết sớm

QUỲNH TRANG LDO | 02/02/2024 08:30

Công việc khó khăn, thu nhập giảm sút, nhiều công nhân lao động Nghệ An, Hà Tĩnh ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chọn về quê ăn Tết sớm, nghỉ dài ngày để đoàn tụ gia đình, hi vọng một năm mới tốt đẹp hơn.

Công nhân rời miền Nam, chưa hẹn ngày trở lại

Sáng 2.2, chị Nguyễn Thị Thắng (quê ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) làm việc tại Bình Dương lỉnh kỉnh hành lý bước ra cổng sân bay Vinh về quê ăn Tết.

Làm công nhân đã 5 năm ở thành phố, chị được về quê ăn Tết 2 lần, tranh thủ làm đến ngày cuối cùng của năm mới ra máy bay. Năm nay, chỉ mới 22 tháng Chạp, chị đã quyết định về quê ăn Tết.

Chị Thắng đưa con trai về nhà ăn Tết sớm. Ảnh: Quỳnh Trang

Nữ công nhân giải thích, nhà máy giảm đơn hàng, năm trước chị không về quê được do công ty tăng ca cuối năm, không nghỉ được nhiều, ngoài ra còn vì vé xe quá đắt. Năm nay không vướng bận gì, việc cũng chưa có nên chị Thắng về sớm hơn dự định.

Ở thành phố, mỗi ngày chị Thắng cày cuốc một lúc mấy việc mới đủ tiền duy trì cuộc sống, chờ khó khăn qua để kiếm công ty khác làm. Cách đây 1 tháng chị Thắng còn làm thêm công việc tạp vụ, chị được bố trí làm theo ca, ngày làm ngày nghỉ, thu nhập của chị giảm hẳn. Thấy khó bám trụ lại thành phố với gần 10 triệu đồng tiết kiệm cuối cùng, chị bấm bụng mua vé máy bay về quê sớm.

Nữ công nhân cho hay, chị chỉ mua vé một chiều, chiều trở lại thành phố thì vẫn chưa xác định, sang năm chị dự tính xin tuyển dụng vào một công ty may trên địa bàn Nghệ An.

"Lần này về, tôi không biết bao giờ quay trở lại, năm nay về quê ăn Tết sớm nhưng bánh chưng lại ít thịt rồi” - chị Thắng nói.

Cách đó không xa, anh Nguyễn Đình Khánh (40 tuổi, quê ở Hương Khê, Hà Tĩnh) lên chuyến bay cất cánh lúc 19h40 từ TP HCM về Nghệ An.

Anh Khánh vào TPHCM lập nghiệp hơn 12 năm tại Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (có trụ sở ở quận Bình Tân).

Theo anh Khánh, từ cuối năm 2022, công ty đã bắt đầu giảm đơn hàng, buộc lòng phải cho công nhân nghỉ luân phiên vào các ngày cuối tuần để đảm bảo ai cũng có việc để làm. Qua năm 2023, tình hình đơn hàng vẫn khó khăn, doanh nghiệp phải cắt giảm lao động. Tuy nhiên, công ty vẫn cố gắng duy trì tiền thưởng Tết cho công nhân viên.

Anh Nguyễn Đình Khánh lựa chọn về quê ăn tết và nghỉ dài ngày. Ảnh: Quỳnh Trang

Mức thưởng sẽ căn cứ vào thâm niên của người lao động. Cụ thể, công nhân vào xưởng 13 năm như anh Khánh được tính thưởng 1,98 tháng lương theo hợp đồng lao động. Năm nay anh Khánh nhận được 17 triệu đồng từ tiền thưởng Tết của công ty.

“Hi vọng năm sau tình hình kinh tế sẽ tốt hơn. Hơn 10 năm làm việc ở TPHCM, tôi cũng tích cóp được một số tiền tiết kiệm. Xem như đây là khoảng thời gian tôi được dùng số tiền đó để nghỉ ngơi sau nhiều năm xa nhà, tôi sẽ không bỏ lỡ khoảnh khắc ý nghĩa bên gia đình của mình", anh Khánh cho hay.

Cơ hội làm việc trên quê hương

Ông Kha Văn Tám - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An cho biết, tình hình biến động lao động thường diễn ra vào các tháng cuối năm. Doanh nghiệp càng đông thì lao động biến động càng lớn.

Đặc biệt, khi doanh nghiệp có nhiều công nhân nghỉ việc chọn về quê ăn tết sớm thì việc bù đắp nhân sự để chạy kịp đơn hàng là vấn đề đau đầu của rất nhiều đơn vị.

Tuy thị trường lao động những tháng cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn, song để chuẩn bị cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh dịp Tết, nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng.

Trước đó, trao đổi với Lao động, ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An cũng cho biết: Theo kế hoạch năm 2024, một số doanh nghiệp lớn sẽ đi vào hoạt động chính thức, nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao các doanh nghiệp dự kiến tuyển dụng thêm khoảng hơn 15.000 lao động.

Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, chặng bay từ TPHCM và Hà Nội về các địa phương đang có tỷ lệ đặt chỗ ở mức rất cao, trải đều trong các ngày từ 2.2 (23 tháng Chạp) tới 9.2 (30 Tết). Một số chặng bay đã kín chỗ (tỷ lệ đặt chỗ 100%).

Các chặng bay giữa TPHCM và Thanh Hóa, Hải Phòng, Chu Lai... cũng đang cạn vé từng ngày, tỷ lệ đặt chỗ trên 90%.

"Đường bay vàng" TPHCM - Hà Nội, tỷ lệ đặt chỗ ở cả 2 chiều đi và về đều đang ở mức trên 80% (cập nhật đến ngày 25.1).

"Đường bay vàng" chưa kín chỗ nhưng giá vé vẫn duy trì ở mức cao. Qua khảo sát, một người tốn khoảng 7-7,5 triệu đồng để đặt vé khứ hồi từ TPHCM về Hà Nội ăn Tết. Giá vé tại các khung giờ đẹp có xu hướng đắt đỏ hoặc đã bán hết. Lượng vé vào đêm khuya và rạng sáng còn nhiều và rẻ hơn.

Cục Hàng không cho biết các hãng bay Việt Nam đang tiếp tục bổ sung thêm chuyến bay từ TPHCM tới các sân bay địa phương và ngược lại trên các chặng đang có tỷ lệ đặt chỗ cao, với 324 chuyến tăng thêm, tương ứng gần 61.000 ghế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn