MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trung tâm Dịch vụ việc làm là một "kênh" uy tín người lao động tìm đến khi thất nghiệp do dịch COVID-19. Ảnh: Trần Kiều.

COVID-19 gây khó khăn trăm bề: Bảo hiểm thất nghiệp phát huy vai trò

Minh Anh LDO | 24/06/2020 09:00

Tác động của dịch COVID–19 khiến nhiều doanh nghiệp phải ngừng sản xuất hoặc thu hẹp phạm vi kinh doanh, gia tăng tỷ lệ người lao động mất việc làm. Trước tình hình khó khăn này, chính sách Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã phát huy tốt vai trò là giúp người lao động có chi phí tối thiểu duy trì sinh hoạt, chờ cơ hội quay lại thị trường lao động.

Càng dịch bệnh, BHTN càng phát huy vai trò quan trọng

Tính đến nay, chính sách BHTN đã triển khai được 11 năm, khẳng định vai trò là một trong những chính sách hàng đầu về an sinh xã hội, giúp người lao động đảm bảo phần nào đời sống của bản thân và gia đình sau khi thất nghiệp, góp phần ổn định kinh tế, xã hội của đất nước.

Trước những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh C)VID-19, nhiều người lao động mất việc làm, chủ yếu là lao động thuộc các doanh nghiệp sản xuất liên quan đến những lĩnh vực như du lịch, nhà hàng, khách sạn, lĩnh vực lưu trú vận tải, sản xuất linh kiện điện tử.

Theo ông Tạ Văn Thảo – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2020, có khoảng hơn 37.000 người lao động đến trung tâm để nộp hồ sơ xin hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tăng khoảng 23% so với cùng kì năm 2019. Đặc biệt, cao điểm diễn ra vào tháng 5, hơn 18.000 người lao động đến để hưởng chính sách BHTN, tăng khoảng 35% so với năm trước. “Vào thời điểm này, đơn vị chúng tôi ghi nhận lượng người lao động đến trung tâm làm hồ sơ hưởng BHTN rơi vào khoảng 500 người/ngày” – ông Thảo cho biết.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội hướng dẫn lao động thất nghiệp làm thủ tục hưởng BHTN. Ảnh: Trần Kiều

Trong quá trình làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động sẽ được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí. Cùng với đó, thông qua chế độ học nghề, người lao động sẽ được trang bị những kỹ năng, kiến thức giúp họ tìm được công việc phù hợp và nhanh chóng ổn định cuộc sống.

4 chế độ hỗ trợ người lao động thất nghiệp

Về các chính sách BHTN, theo Quy định ở Điều 42 Luật Việc làm, có 4 chế độ chính liên quan trực tiếp đến quyền lợi người lao động:

Thứ nhất, người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 60% bình quân 6 tháng lương cuối cùng trước khi thất nghiệp. Thời gian hưởng phụ thuộc vào thời gian tham gia BHTN, tối đa không quá 12 tháng.

Thứ hai, người lao động được Trung tâm Dịch vụ việc làm hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí. Chế độ này cũng chính là một quyền lợi giúp người lao động được hỗ trợ tìm kiếm một công việc ổn định, phù hợp với nhu cầu của bản thân.

Thứ ba, người lao động được hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định tại Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg. Theo đó, mỗi người lao động sẽ được hỗ trợ học nghề 1 triệu/tháng, thời gian kéo dài không quá 6 tháng.

Thứ tư, doanh nghiệp cũng được hỗ trợ, đào tạo kĩ năng nghề. Trong trường hợp có nguy cơ giãn thợ hoặc thay đổi sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp sẽ được Nhà nước hỗ trợ một khoản kinh phí nhằm mục đích đào tạo cho người lao động những kĩ năng phù hợp hơn, giảm nguy cơ mất việc làm.

Thời gian qua, lượng người đến các Trung tâm dịch vụ việc làm làm thủ tục hưởng BHTN và tìm kiếm cơ hội việc làm rất đông đảo. Ảnh: Trần Kiều

Về các thủ tục xin hưởng BHTN, người lao động cần có sổ bảo hiểm xã hội có thời gian đóng bảo hiểm là 12 tháng trong vòng 24 tháng cùng với các văn bản, giấy tờ liên quan đến việc mất việc làm theo đúng quy định của pháp luật, bao gồm: đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu do Bộ LĐ-TB-XH quy định); bản chính hoặc bản sao có chứng thực của hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn; quyết định thôi việc hoặc quyết định sa thải hoặc quyết định kỷ luật buộc thôi việc hoặc thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc; chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu/sổ tạm trú photo nếu nộp hồ sơ hưởng tại nơi cư trú và kèm theo bản gốc để đối chiếu.

Trong vòng 3 tháng sau khi mất việc làm, người lao động phải nộp hồ sơ cho Trung tâm Giới thiệu việc làm tại địa phương để được nhận hỗ trợ về chính sách thất nghiệp.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Khi xảy ra dịch COVID-19, lao động đối mặt với thiếu việc làm và thất nghiệp.

Quá trình sản xuất của chúng ta đang ổn định nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên phải thực hiện giải pháp giãn cách xã hội bệnh để phòng chống dịch. Quan điểm của Thủ tướng là không đánh đổi sức khoẻ người lao động lấy kinh tế. Rất may trong quá trình thực hiện chính sách, bảo hiểm thất nghiệp là loại bảo hiểm ngắn hạn có vai trò như bà đỡ của Nhà nước, giúp cho người lao động khi không có việc làm có hai con đường là học nghề, tiếp tục được hỗ trợ học nghề.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn