MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dây chuyền sản xuất của một doanh nghiệp sản xuất "3 tại chỗ" ở Bắc Giang. Ảnh: T.HẰNG

COVID-19 không thể ngăn sức bật kinh tế Việt Nam

Phan Linh LDO | 09/09/2021 08:32

“Gác sang một bên thách thức từ COVID-19, khó có thể nhìn khác hơn màu hồng đối với một đất nước chừng như đang ở giai đoạn đầu của một phép lạ kinh tế Đông Á” - The Economist nhận định về triển vọng kinh tế của Việt Nam. Trong một báo cáo mới công bố, The Economist Intelligence Unit (The EIU) - một phân bản của The Economist đã nhấn mạnh những yếu tố trong môi trường kinh doanh tạo nên sự hấp dẫn của Việt Nam trong vai trò là trung tâm sản xuất của khu vực.

Không chỉ có sự ổn định chính trị, The EIU còn nhấn mạnh: “Điều đáng mừng là những cơ chế chính sách cởi mở với đầu tư nước ngoài, quyền tiếp cận các thị trường nước ngoài nhờ sự tham gia mạnh mẽ vào các hiệp định và định chế thương mại tự do, cùng với chi phí lao động cạnh tranh đóng góp bởi lực lượng lao động phổ thông dồi dào vẫn sẽ đảm bảo cho Việt Nam một vị thế hấp dẫn trong vai trò sản xuất gia công đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các đối tác đang tìm kiếm cơ hội dịch chuyển hoặc đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại Châu Á”.

Sự dồi dào nguồn lực lao động

Theo EIU, Việt Nam đang hưởng lợi từ “sự phân chia nhân khẩu học” theo đó tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động lớn tương đối so với nhóm nhân khẩu có độ tuổi dưới 15 và trên 64. The EIU dự đoán xu hướng tăng trưởng tỉ lệ lao động này sẽ còn tiếp diễn cho đến tận năm 2045. The EIU cũng cho rằng, sự thiếu hụt lao động có kỹ năng vẫn sẽ là điểm trừ lớn nhất của thị trường lao động Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. The EIU cho rằng, căn nguyên của tình trạng này xuất phát từ sự khan hiếm giáo dục cấp tiến liên quan trực tiếp đến nhu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Việc sửa đổi, bổ sung của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (có hiệu lực từ năm 2020), cùng với Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 (có hiệu lực từ tháng 1.2021) được The EIU nhận định sẽ giúp đẩy nhanh quy trình xin giấy phép lao động cho các lao động và chuyên gia nước ngoài. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực này cũng chỉ phần nào làm dịu đi chứ không làm thuyên giảm áp lực về lực lượng lao động có tay nghề.

Chính sách cởi mở với đầu tư nước ngoài

Kể từ dấu ấn cải cách những năm 1980, Việt Nam đã chuyển mình theo hướng phát triển chiến lược hướng về xuất khẩu, ưu tiên đầu tư nước ngoài cho các ngành công nghiệp non trẻ. Các khu công nghiệp ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong chiến lược này kể từ khi Khu công nghiệp đầu tiên được thành lập năm 1991 tại TPHCM.

Các doanh nghiệp FDI đủ tiêu chuẩn được hưởng lợi từ chính sách tỉ giá hối đoái thấp và cơ chế miễn trừ thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Phí thuê đất ưu đãi được áp dụng. 

The EIU đánh giá, địa lý Việt Nam là tương đối phù hợp cho hoạt động định hướng xuất khẩu. Đường bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam có lợi thế trong việc hình thành và xây dựng các cụm cảng nước sâu, cùng với hệ thống sông ngòi lớn có thể luân chuyển ở cả hai miền tạo nên hệ thống vận tải thủy nội địa kết hợp kết nối thuận tiện với các trung tâm đô thị hành chính trên phạm vi toàn quốc. Lợi thế này được xem như là sự bù đắp cho những thiếu hụt của mạng lưới vật lý tải trọng cao kết nối hai đầu Nam Bắc. Tuy nhiên, với điểm xếp hạng về yếu tố cơ sở hạ tầng (CSHT) tương đối thấp trong khu vực sẽ là thách thức tiềm tàng về mặt logisitics, là lực cản cho các doanh nghiệp định hướng tiêu thụ nội địa.

Mục tiêu cạnh tranh trong quan hệ thương mại

Việt Nam ngày càng tham gia nhiều hơn vào các hiệp ước thương mại và có quan hệ tốt đẹp hơn với các đối tác thương mại của mình trong khu vực. Điều này giúp làm giảm chi phí xuất khẩu các mặt hàng may mặc, giày dép và điện tử tới các thị trường toàn cầu. Với những sút giảm không đáng kể trong các quan hệ thương mại, Việt Nam tự tin tiếp tục duy trì vị thế thuận lợi này.

Việc là thành viên của ngày càng nhiều các hiệp định thương mại tự do (FTAs) được xem là điểm mạnh cốt yếu của môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Là một nhân tố trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam có điều kiện xuất khẩu tất cả các mặt hàng sang các quốc gia trong cộng đồng với mức thuế bằng không.

Trong khi đó, các hiệp định thương mại của chính ASEAN với hàng loạt các quốc gia khác trên thế giới trong vòng 15 năm qua cũng đã đem lại cơ hội cho Việt Nam tiếp cận với các khu vực khác ngoài ASEAN; tính hiệu lực của các thương vụ này càng được củng cố hơn nữa bởi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership RCEP) gần đây. Những đặc lợi lớn nhất trong vòng 5 năm qua phải kể đến đó là: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái bình dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA). Nói như vậy không có nghĩa rằng Việt Nam không có bất cứ trở ngại nào trong tổng hòa các mối quan hệ thương mại của mình. The EIU nhận định, thách thức cho thương mại của Việt Nam sẽ đến từ những căng thẳng quốc tế trong vòng 5 năm tới được kỳ vọng là tương đối khiêm tốn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn