MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

CSGT đau đầu vì nhiều xe vi phạm bị tạm giữ trở thành "vô chủ"

CAO VĂN HUÂN LDO | 23/08/2019 15:02

Tạm giam phương tiện là một trong những hình thức xử lý vi phạm hành chính về vi phạm giao thông đường bộ. Tuy nhiên, tại TPHCM có một thực tế là nhiều xe bị giam giữ đã không được chủ xe hoặc tài xế đến nhận lại, dẫn đến lượng xe bị giữ ngày tăng lên đã “làm khổ” lực lượng CSGT.

Chiều 22.8, trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TPHCM cho biết, hiện tại phòng PC08 có 4 kho lưu giữ tang vật vi phạm Luật Giao thông đường bộ với sức chứa vài nghìn chiếc xe/bãi. Hiện có khoảng 11.000 xe vi phạm bị tạm giữ quá thời hạn, nhưng không có người đến giải quyết khiến cho 4 kho bãi trên bị quá tải.

Theo PC08, quy định pháp luật cho phép đơn vị được quyền tịch thu phương tiện nếu quá thời hạn quy định mà chủ phương tiện không đến nhận lại. Tuy nhiên, quá trình tạm giữ phương tiện của người vi phạm cho đến khi bán đấu giá phải căn cứ theo quy định của pháp luật, thường kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm và do Sở Tài chính TPHCM thực hiện.

“Việc số lượng phương tiện bị giữ nhưng chủ phương tiện không đến giải quyết ngày càng tăng cao, đã gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý của PC08. Trong đó phải kể đến việc tăng cường quản lý, giám sát phòng ngừa công tác phòng chống cháy nổ, tăng thêm nhân sự để trong giữ phương tiện và có nguy cơ quá tải bến bãi tạm giữ. Nhiều phương tiện bỏ lâu ngoài trời, nên bị hư hỏng nặng đã không còn giá trị sử dụng” - đại diện PC08 cho biết.

Theo đại diện PC08, nguyên nhân bỏ xe là do mức phạt cao hơn giá trị chiếc xe, nhiều xe Trung Quốc do công nhân và lao động phổ thông mua lại với số tiền nhỏ nên họ sẵn sàng bỏ luôn xe. Mặt khác, nhiều xe không rõ nguồn gốc, không xuất trình được giấy đăng ký xe... Những xe này, khi bán đấu giá tài thì chỉ bán phế liệu, có chiếc bán chỉ được vài trăm nghìn đồng.

PC08 cung cấp thêm thông tin, để tháo gỡ khó khăn, bất cập trong xử lý các phương tiện nêu trên, trong trường hợp đủ điều kiện và bắt buộc phải tạm giữ phương tiện, thì có thể áp dụng quy định về việc giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm tự giữ phương tiện với những điều kiện đi cùng.

Đồng Nai: Giải quyết xe vô chủ thường thủ tục rườm rà và kéo dài

Bãi xe vi phạm tại TP.Biên Hòa, Đồng Nai. Ảnh: H.A.C

Tại Đồng Nai, trung bình hằng năm, các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ tạm giữ hơn 20 nghìn phương tiện các loại (trong đó xe máy chiếm 95%). Hiện nay còn hàng nghìn chiếc xe máy vi phạm đang bị tạm giữ, phần lớn đã quá hạn xử lý. Trong khi đó các bãi giữ xe của lực lượng công an chưa đáp ứng nhu cầu do thiếu diện tích, thiếu kinh phí để xây dựng, nâng cấp...

Theo một đại diện Công an tỉnh Đồng Nai, công tác thanh lý, đấu giá tài sản phải trải qua hàng loạt các thủ tục theo quy định của pháp luật. Để thực hiện xong các bước này thường phải mất ít nhất 6 tháng mới hoàn thành. Chính vì vậy để giải quyết một lượng xe vi phạm lớn như trên phải mất rất nhiều thời gian.

Ngoài những phương tiện đăng ký ở địa phương còn có các phương tiện đăng ký ở các tỉnh, thành khác nên việc xác minh tìm chủ sở hữu gặp nhiều khó khăn. Sau khi xác minh được thì có khi xảy ra trường hợp địa chỉ không đúng hoặc chủ sở hữu không đến giải quyết.  HÀ ANH CHIẾN

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn