MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Máy của một tàu cao tốc được tháo tung ra để đăng kiểm tại Vân Đồn. Ảnh: Nguyễn Hùng

Cú “bổ” máy lãng phí gần 400 triệu đồng vì bất cập đăng kiểm

Nguyễn Hùng LDO | 11/08/2023 10:18

Quảng Ninh - Vụ một tàu cao tốc của Công ty Thành Hưng, Quảng Ninh mới chạy được vài nghìn giờ nhưng buộc phải “bổ” máy ra để đăng kiểm vì thời hạn đăng kiểm 5 năm đầu tiên đã tới được coi là một điển hình về sự bất cập trong đăng kiểm phương tiện thủy, khiến các chủ tàu mất công, mất sức và lãng phí quá nhiều tiền cho việc không cần thiết.

“Bổ” máy ra chỉ để ngắm

Theo hướng dẫn của các nhà sản xuất, máy mới chỉ phải “bổ” khi đăng kiểm sau hàng vạn giờ chạy, nhưng đăng kiểm trong nước quy định, cứ sau 5 năm hoạt động thì tất cả phải “bổ” máy.

Một trong những con tàu của Công ty Thành Hưng, chuyên chở khách tuyến Vân Đồn – Cô Tô, với 2 máy mới cứng nhập từ Italia, sau 5 năm hoạt động nhưng có tới hơn 2 năm “nằm im” vì đại dịch COVID-19, vừa buộc phải “bổ” máy để đăng kiểm.

Ông Nguyễn Thành Hưng– Giám đốc Công ty Thành Hưng – cho biết, kể cả tàu có chạy liên tục trong 5 năm thì cũng không đạt số giờ đó.

Nhân viên đăng kiểm kiểm tra các bộ phận bên trong máy tàu. Ảnh: Nguyễn Hùng

Do 2 máy đều thuộc dòng mới, hiện đại, các thợ máy ngoài Bắc không dám “động tay” nên ông Hưng phải mời các thợ máy từ TP.HCM ra, nên chi phí đội lên một phần bởi phải trả tiền vé máy bay khứ hồi và ăn nghỉ...

Khoang tàu chật, 2 máy nổ lại quá to nên bắt buộc phải cắt, cưa một phần khoang để cẩu máy lên bờ, rồi dùng xe vận chuyển đến một xưởng sửa chữa tàu thuyền cách đó hàng chục km.

Tại đây, các thợ máy tháo tung máy ra, từng linh kiện, từng con ốc để đơn vị đăng kiểm kiểm tra, từ biên, trục cơ, trục cam, bộ hơi, kim phun…

Tuy nhiên, tất cả các bộ phận, chi tiết trong máy đều vẫn đạt tiêu chuẩn. Theo ông Hưng – từng là một thợ máy tàu biển, máy vẫn còn rất “ngon” và ai cũng biết thế, nhưng theo quy định đăng kiểm thì vẫn cứ phải làm.

Vấn đề là việc “bổ” máy sớm hơn so với quy định của nhà sản xuất gây thiệt hại nặng nề cho các chủ tàu.

Theo tính toán, riêng phần vận chuyển từ vị trí tàu đỗ đến xưởng và ngược lại đã ngốn mất vài chục triệu của ông Hưng.

Tiền công tháo máy ra và lắp máy lại 2 máy là gần 100 triệu đồng.

Đặc biệt, kể cả máy vẫn chạy tốt thì sau khi “bổ” máy ra, một số bộ phận buộc phải thay thế vì không thể sử dụng lại được, như: bộ xéc-măng, các loại gioong, mà đắt nhất là gioong mặt quy nát. Chi phí thay thế các bộ phận trên cũng không dưới 40 triệu đồng do máy thuộc hàng độc nên giá cao.

Chưa kể do máy hiện đại, đời cao, tháo ra rồi lắp vào khó chuẩn, khiến máy đang chạy ngon lành nhưng sau khi tháo ra để đăng kiểm thì trục trặc liên tục, sửa lên sửa xuống và đến gần đây mới trở lại hoạt động. Việc này cũng khiến chủ tàu mất thêm một khoản tiền rất lớn.

Theo ông Hưng, việc “bổ” máy tàu của ông để đăng kiểm trước thời hạn quy định của nhà sản xuất đã lãng phí hơn 400 triệu đồng.

Đánh đồng các loại tàu

Việc “bổ” máy ra chỉ để ngắm xảy ra hầu hết đối với các tàu du lịch, tàu cao tốc vận chuyển khách tại Quảng Ninh, bởi trong 5 năm đầu hoạt động, các loại tàu này cùng lắm chỉ chạy hết một nửa số giờ theo khuyến nghị của nhà sản xuất.

Tàu du lịch mỗi ngày chỉ chạy từ 1-3 tiếng nhưng cũng bị áp dụng đăng kiểm như với các tàu chở hàng chạy liên tục. Ảnh: Nguyễn Hùng

Ông Bùi Đông – chủ tàu cao tốc Hoàng Vi, chuyên tuyến Vân Đồn – Quan Lạn – cho biết, tàu của ông có máy Hàn Quốc mới cứng; nhà sản xuất hướng dẫn sau hơn 20.000 giờ chạy thì mới phải “bổ” máy. Tuy nhiên, theo quy định đăng kiểm, tàu của ông buộc phải bổ máy sau 5 năm hoạt động và khi đó mới chạy được tổng cộng khoảng 6.000 giờ.

“Tất nhiên “bổ” máy ra lại lắp vào thôi vì các bộ phận vẫn tốt. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải mất cả chục, trăm triệu đồng để tháo-lắp máy, thay thế xéc-măng, gioong, rồi căn chỉnh lại máy, chân máy…” – ông Đông chia sẻ.

Theo một chủ tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, bình quân mỗi ngày tàu chỉ chạy từ 1-3 tiếng, tùy loại tàu, nhưng vẫn phải tháo tung máy ra để đăng kiểm sau 5 năm hoạt động và kết quả là máy vẫn tốt.

“Tàu chúng tôi chỉ đưa khách đi tham quan ban ngày. Chạy từ Tuần Châu ra khu vực Ti-tốp chỉ mất khoảng 30 phút và dừng ở đó đợi du khách tham quan, rồi mất 30 phút nữa để trở về bờ. Giả sử ngày chạy 2 chuyến thì chỉ chạy tổng cộng khoảng 2 tiếng” – chủ tàu này cho biết -“Nếu máy mới, nhà sản xuất khuyến nghị phải tháo máy để kiểm tra tổng thể sau khoảng 20.000 giờ chạy thì 5 năm đầu, tàu chỉ chạy được vài nghìn giờ thôi”.

Theo ông Nguyễn Thành Hưng– Giám đốc Công ty Thành Hưng – áp dụng sau 5 năm hoạt động thì phải tháo tung máy ra để đăng kiểm đối với tàu vận tải hàng hóa chạy liên tục, trên tuyến đường dài thì hợp lý hơn, vì các tàu du lịch, dịch vụ chạy rất ít.

“Thực tế thời cho thấy hầu hết các máy của tàu du lịch, tàu cao tốc tại Quảng Ninh, Hải Phòng bị “bổ” ra sau 5 năm hoạt động đều vẫn rất tốt. Vì thế, cơ quan chức năng nên nghiên cứu đăng kiểm theo giờ để không gây lãng phí rất lớn cho doanh nghiệp” – ông Hưng kiến nghị.

Theo ông Trần Minh Đức – Giám đốc Chi cục đăng kiểm số 15, Quảng Ninh – tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp, chủ tàu là xác đáng; đơn vị cũng đã đưa những ý kiến của các chủ tàu vào bản dự thảo mới về đăng kiểm phương tiện thủy theo hướng đăng kiểm theo giờ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn