MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
2 con chó thả rông bị tổ phản ứng nhanh phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội bắt sáng qua 30.11. Ảnh: Thành Trung

Cứ chó thả rông bị bệnh là tiêu huỷ, có ổn không?

Thành Trung LDO | 01/12/2018 09:30
Chó thả rông bị tổ phản ứng nhanh bắt nếu không có người nhận và được xác định là bị bệnh sẽ bị tiêu huỷ, trước khi tiêu huỷ phải làm chết.

Nằm trong kế hoạch phòng chống bệnh dại, UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt việc thành lập đội săn bắt chó thả rông theo đề xuất của Chi cục Thú y Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn – Cục trưởng Cục Thú y Hà Nội, hiện đơn vị này đang tham khảo mô hình của TPHCM để áp dụng sao cho phù hợp với Hà Nội.

Những con chó bắt được, nếu xác định mắc bệnh sẽ bị tiêu hủy, con khỏe mạnh sẽ đưa về nơi lưu giữ, chờ chủ đến nhận.

“Về quy trình tiêu huỷ những con chó thả rông được xác định bị bệnh sẽ thực hiện theo Phụ lục 06, Thông tư 07/2016 của Bộ NN&PTNT”, Cục trưởng Thú y Hà Nội cho biết.

Trước khi tiêu huỷ, chó bị bệnh sẽ phải làm chết bằng điện hoặc phương pháp khác (nếu có).

Địa điểm tiêu huỷ phải theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Chó bị bệnh phải tiêu huỷ có thể chôn lấp hoặc đốt bằng lò chuyên dụng.

Hố chôn lấp chó bị bệnh phải cách nhà dân, giếng nước, khu chuồng nuôi động vật tối thiểu 30m.

Sau khi đào hố chôn phải rải một lớp vôi bột xuống đáy. Hố chôn chó bị bệnh phải có biển cảnh báo người ra vào khu vực.

UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý, kiểm tra và xử lý kịp thời các sự cố xảy ra với hố chôn lấp chó.

Địa điểm chôn chó bị bệnh cũng phải được đánh dấu trên bản đồ của xã và ghi chép, lưu giữ thông tin tại UBND xã.

Trường hợp thuê các tổ chức, cá nhân khác thực hiện tiêu huỷ chó bị bệnh phải có cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương giám sát thực hiện và tuân thủ các quy định trên.

Đối với chó thả rông bắt được, khi chủ tới nhận phải mang theo CMND, giấy chứng nhận tiêm phòng và có thể phải nộp phạt theo quy định.

Lãnh đạo cục Thú y Hà Nội nhấn mạnh, việc bắt chó thả rông, bên cạnh mục đích phòng trừ bệnh dại, Cục Thú y còn đặt ra mục tiêu nâng cao ý thức người nuôi, đảm bảo an toàn cho người khác, chứ không nhằm vào bắt chó phạt tiền hay tiêu hủy.

Theo Nghị định 90/2017 của Chính phủ, hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng. Trường hợp chủ nuôi không tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo cũng chịu mức phạt tương tự như trên.

Quy định này cũng nêu rõ chó thả rông bị bắt sau 72 giờ nếu không có người tới nhận sẽ được đem đi tiêu huỷ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn