MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cử tri quận 2 đề xuất tên gọi khác thay cho Thành phố Thủ Đức

MINH QUÂN LDO | 07/10/2020 15:03

Đề án Thành phố Thủ Đức được nhiều cử tri quan tâm, góp ý tại buổi tiếp xúc cử tri quận 2 của tổ đại biểu Quốc hội TPHCM, ngày 7.10.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri bày tỏ băn khoăn về thủ tục hành chính, sửa đổi giấy tờ sau khi sáp nhập sáp nhập quận 2, 9, Thủ Đức thành Thành phố Thủ Đức. Bên cạnh đó, cử tri đề xuất một số tên khác để thay cho tên gọi "Thành phố Thủ Đức" mà đề án dự kiến đặt tên.

Theo bà Lê Thị Bạch Tuyết – người dân phường Bình Trưng Tây, qua hơn 20 năm phát triển, giờ vùng đất này trở lại lấy tên Thủ Đức thì nghe rất xưa. Bà Tuyết cho biết trong tổ dân phố của bà có 297 hộ dân thì chỉ có 5 hộ đồng ý với tên gọi Thành phố Thủ Đức sau khi sáp nhập. "Tại sao không lấy tên là Thành phố Thủ Thiêm?" - bà Tuyết nêu ý kiến.

Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri quận 2. Ảnh: Minh Quân

Ông Nguyễn Tiến Thịnh – phường Thạnh Mỹ Lợi, cho rằng những vấn đề tồn đọng ở quận 2 chưa được giải quyết dứt điểm sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố mới. "Vấn đề tái định cư, trong ranh, ngoài ranh của người dân Thủ Thiêm vẫn chưa giải quyết xong. Thành phố Thủ Đức mới thành lập mà để người dân kéo lên khiếu nại về Thủ Thiêm thì không hay" - ông Thịnh băn khoăn.

Ông Thịnh cũng cho rằng thành lập thành phố mới nhưng lấy tên Thủ Đức thì quá cũ. "Nên lấy tên là Thành phố Đông Sài Sòn sẽ hay hơn" - ông Thịnh đề xuất.

Cũng theo ông Thịnh, thành phố mới muốn phát triển được phải do con người là chủ yếu. Vì vậy, muốn xây dựng thành phố, trước hết phải xây dựng con người, trong đó xây dựng đội ngũ cán bộ có tài, có đức và có tâm. Ngoài ra cũng cần sự đồng thuận của người dân thì mới phát triển được.

Ông Nguyễn Hải Triều - phường Thạnh Mỹ Lợi băn khoăn về việc thay đổi giấy tờ hành chính sẽ bị ảnh hưởng ra sao sau khi sáp nhập? Theo ông Triều, chính bản thân ông làm giấy chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng một năm nay chưa làm xong. “Giấy tờ nhà đất quan trọng nhưng chính quyền giải quyết chậm trễ. Đây là cản trở khiến người dân không muốn lập thành phố mới vì rất ngại phải đi làm lại giấy tờ” – ông Triều nói.

Trao đổi lại, đại biểu Quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cho biết, ông rất hiểu và chia sẻ trước yêu cầu giải quyết thấu đáo những tồn đọng để phát triển thành phố mới như mong muốn của người dân.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM trao đổi với người dân sau buổi tiếp xúc. Ảnh: Minh Quân

Ông Khuê cho biết UBND TPHCM đang tiếp thu ý kiến, góp ý các sở, ngành thành phố; bộ, ban, ngành Trung ương và Chính phủ; cử tri 3 quận 2, 9, Thủ Đức và một số nơi khác khác để tiếp tục hoàn thành nâng cao đề án. Vừa qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cũng đã tổ chức phản biện và lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện đề án.

Cũng theo ông Khuê, việc thành lập Thành phố Thủ Đức cần đi đôi với những đề án ngắn xem xét những yếu tố giảm bớt phiền hà cho nhân dân. Ví dụ liên quan đến hộ khẩu, chứng minh nhân dân, sắp xếp số nhà...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn