MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người lao động sau khi làm thủ tục xin hưởng Bảo hiểm thất nghiệp vẫn chưa trở lại tìm kiếm công việc mới ngay. Ảnh: Hà Anh Chiến

Cửa nhận bảo hiểm thất nghiệp tấp nập, sàn việc làm đìu hiu

HÀ ANH CHIẾN LDO | 28/04/2023 07:52

Tại tỉnh Đồng Nai, đã có hàng nghìn người lao động mất việc làm do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, đặc biệt là trong ngành may mặc, giày da. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp có đơn hàng lại không tuyển được lao động. Theo lí giải của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai, sau khi mất việc và xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhiều người lao động chưa vội quay trở lại làm việc.

Vẫn chưa vội trở lại thị trường lao động

Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai có trụ sở tại phường Tân Hiệp, TP Biên Hoà. Đây là nơi tiếp nhận hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động, đồng thời cũng là nơi thường xuyên tổ chức các sàn giao dịch việc làm. Theo ghi nhận của PV, số lượng người lao động tới trung tâm để làm thủ tục xin hưởng trợ cấp thất nghiệp rất đông, nhưng số người lao động tới tìm hiểu thông tin việc làm lại rất thưa vắng. Tương tự, số doanh nghiệp tới đăng tuyển tìm kiếm lao động cũng rất ít.

Trong khi đó, sàn giao dịch việc làm tỉnh Đồng Nai gần nhất mới tổ chức ngày 25.4, chỉ có 19 doanh nghiệp đăng kí tham gia tìm kiếm số lao động ít ỏi chỉ hơn 900 người và cũng chỉ có khoảng 350 người lao động có nhu cầu tìm việc làm và tìm hiểu thông tin về việc làm tại sàn giao dịch.

Trong số nhu cầu ít ỏi hơn 900 lao động cần tuyển dụng của doanh nghiệp thì gần 90% nhu cầu tuyển là lao động phổ thông trong các ngành may mặc và xuất khẩu lao động, song số lượng lao động phổ thông và lao động có tay nghề tham gia tìm việc tại sàn rất hạn chế hoặc chưa đáp ứng các tiêu chí tuyển dụng của doanh nghiệp. 

Hiện nay, một số doanh nghiệp ở Đồng Nai vẫn đang áp dụng hình thức giảm giờ làm của người lao động 1-2 ngày/tuần. Ảnh minh hoạ: Hà Anh Chiến

Theo lí giải của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai, mặc dù số lượng người lao động thất nghiệp nhiều, nhưng sau khi mất việc và xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhiều người lao động chưa vội trở lại thị trường lao động làm việc ngay mà chủ động xin nghỉ một thời gian rồi mới xin việc trở lại.

Khuyến khích người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp quay lại thị trường lao động

Bà Trần Thị Thùy Trâm - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai - cho biết, trung tâm sẽ tăng cường tuyên truyền cho người lao động và doanh nghiệp bằng nhiều hình thức. Ngoài ra, sẽ tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm cho đối tượng đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm và 5 văn phòng đại diện các huyện, TP Biên Hòa, Long Khánh, tạo mọi điều kiện để các đối tượng đang hưởng trợ cấp thất nghiệp sớm quay lại thị trường lao động.

Công đoàn tỉnh Đồng Nai dự báo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh ở nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian tới vẫn khó khăn, nhất là ngành gỗ, dệt may, giày da. Các cấp công đoàn đang cố gắng thương lượng với người sử dụng lao động bảo đảm việc làm cho người lao động, trong đó biện pháp cuối cùng là tạm hoãn hợp đồng lao động.

Hiện nay, một số doanh nghiệp vẫn đang áp dụng hình thức giảm giờ làm của người lao động 1-2 ngày/tuần. Riêng các doanh nghiệp ngành gỗ hoạt động cầm chừng, cố gắng duy trì việc làm cho người lao động. 

Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai sẽ tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm cho đối tượng đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm. Ảnh minh hoạ: Hà Anh Chiến

Theo ông Kiều Minh Sinh - Trưởng ban Chính sách pháp luật LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, để hỗ trợ đoàn viên người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động theo quyết định số 6696/QĐ-TLĐ của Tổng LĐLĐVN, trên địa bàn Đồng Nai có khoảng 15.000 đoàn viên, người lao động sẽ được hỗ trợ với số tiền khoảng 20 tỉ đồng. 

Ngoài ra, thực hiện Quyết định số 122 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc chăm lo, hỗ trợ người lao động mất việc làm, tạm hoãn hợp đồng lao động, Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai cho biết, tính đến hết tháng 3.2023, các địa phương trong tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ cho 192 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động với số tiền 282 triệu đồng và 3.256 lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động được hỗ trợ với số tiền trên 4,4 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn