MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thiếu tướng Lê Xuân Đức giải đáp, chia sẻ về các trường hợp livestream né chốt, đề nghị kiểm tra xuất xứ dụng cụ đo nồng độ cồn. Ảnh: Quang Việt

Cục CSGT nói về livestream né chốt, uống siro, thuốc sâu răng cũng có nồng độ cồn

Việt Dũng LDO | 22/02/2023 11:49

Các vấn đề liên quan đến nhóm đối tượng livestream né chốt, yêu cầu kiểm tra thiết bị đo nồng độ cồn cũng như ý kiến việc uống siro cũng có "men"... đã được lãnh đạo Cục CSGT chia sẻ.

Sáng 22.2, tại Hà Nội, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) - Bộ Công an tổ chức Hội nghị thông tin công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đầu năm 2023 của lực lượng Cảnh sát giao thông. 

Liên quan đến ý kiến việc người dân có quyền đề nghị kiểm tra nguồn gốc máy đo nồng độ cồn, Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng CSGT cho hay, trong quy chế dân chủ bảo đảm công tác trật tự an toàn giao thông thì lực lượng CSGT đã công khai kế hoạch trên trang web của Cục và công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đó là thông tin được công khai.

Đối với phương tiện, thiết bị nghiệp vụ trang cấp cho lực lượng CSGT thì theo quy định của Bộ Công an. Do vậy, người dân được giám sát kiểm tra những gì được pháp luật quy định. Đối chiếu pháp luật cho thấy không có việc quy định kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của dụng cụ này. "Đó thuộc về phạm vi, chức năng của cơ quan chức năng", Thiếu tướng Lê Xuân Đức nói.

Phó Cục trưởng CSGT cũng nhắc lại, trách nhiệm của người dân đã được quy định cụ thể trong quy chế dân chủ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Thiếu tướng Đức thông tin tiếp, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo 2 chuyên đề trọng tâm từ năm 2022-2023, đó là xử lý nồng độ cồn và cơi nới xe thùng, quá tải...

Toàn cảnh hội nghị Thông tin công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2023. Ảnh: Kiên Phạm

Liên quan đến các nhóm livestream trên mạng xã hội để "né chốt", ông Đức cho hay, trong kế hoạch chỉ đạo của Bộ Công an, lực lượng CSGT thực hiện chuyên đề đo nồng độ cồn là đang thực hiện theo kế hoạch, kinh nghiệm quốc tế.

Trước khi thực hiện, CSGT làm tốt công tác điều tra cơ bản, điều tra từng tuyến đường, từng nhà hàng, từng đối tượng. Sau đố bố trí lực lượng ở những điểm đó và cũng thường xuyên thay đổi liên tục.

"Chính vì vậy những thủ đoạn người né chốt và những người chống đối đã bị hạn chế mức thấp nhất", Phó Cục trưởng CSGT Lê Xuân Đức thông tin.

Một vấn đề được dư luận quan tâm trong thời gian qua trên mạng xã hội là việc người dân chỉ uống siro, ăn hoa quả và thuốc sâu răng vẫn bị xác định vi phạm nồng độ cồn.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho hay, hiện nay, việc đo nồng độ cồn được thực hiện theo hai chế độ.

Đo định tính và khi nào CSGT xác định có cồn mới tiến hành đo nồng độ theo chỉ số hàm lượng là bao nhiêu.

Do vậy, CSGT không thể xử lý sai mà không có nồng độ cồn. CSGT thực hiện công khai minh bạch, không xử lý trường hợp sai quy định.

Ngoài ra những thông số giữa Bộ Y tế và thông số đo của CSGT có những ý kiến khác nhau. Bộ Y tế căn cứ vào nồng độ cồn trong máu, còn cảnh sát giao thông đo qua hơi thở.

"Chắc chắn anh phải có định tính trước, khi định tính rồi thì có nồng độ cồn theo định lượng, chỉ số theo từng mức ở Nghị định 100, do đó không thể sai được", Thiếu tướng Lê Xuân Đức phân tích.

Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn và phát hiện trường hợp vi phạm. Ảnh cắt từ clip

Theo Cục CSGT, từ giữa tháng 11.2022 đến đầu tháng 2.2023, lực lượng cảnh sát giao thông trên cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 660.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền 1.246 tỉ đồng.

Trong đó, phát hiện hơn 117.000 người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm về nồng độ cồn, phạt tiền 543 tỉ đồng...

Với những thành tích đạt được trong thời gian qua trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, hôm 21.2, lực lượng CSGT đã được Thủ tướng Chính phủ gửi Thư khen.

Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương, khen ngợi những kết quả, thành tích mà lực lượng CSGT đã đạt được trong thời gian qua.

Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về tư duy, nhận thức và hành động, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Xây dựng lực lượng Cảnh sát giao thông thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, khắc họa rõ nét hơn nữa hình ảnh người chiến sĩ CSGT vì nhân dân phục vụ; quyết tâm tạo chuyển biến tích cực hơn nữa tình hình trật tự, an toàn giao thông...

Trước động viên trên, đại diện Cục CSGT cho hay sẽ cố gắng thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm được Đảng, Chính phủ, Bộ Công an giao.

Trong năm 2023, Cục CSGT cho biết sẽ tập trung thực hiện xuyên suốt 2 chuyên đề công tác trọng tâm và là mệnh lệnh chiến đấu của Bộ Công an gồm: Xử lý vi phạm nồng độ cồn và chấn chỉnh việc chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông.

Đối với chuyên đề xử lý vi phạm nồng đọ cồn, yêu cầu các địa phương phải thực hiện thường xuyên, quyết liệt, “không có ngoại lệ".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn