MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Hữu Vượng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn trả lời câu hỏi của PV Lao Động. Ảnh: Hữu Chánh.

Cục phó Hải quan Lạng Sơn: "Nhà luật" chỉ là cách gọi của các tài xế

Trần Tuấn - Hữu Chánh LDO | 26/01/2022 11:31

Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, "nhà luật" chỉ là cách gọi của các tài xế. Trên thực tế, họ là những người được chủ hàng cử đến thực hiện thủ tục hải quan với danh nghĩa là nhân viên của các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, có giấy giới thiệu, giấy ủy quyền. 

"Nhà luật" chỉ là cách gọi của các tài xế

Báo Lao Động mới đây có bài phản ánh về hoạt động của các "nhà luật" tại khu vực cửa khẩu Lạng Sơn.

Theo một số tài xế, các “nhà luật” ở cửa khẩu đã có từ lâu, được hiểu là một dạng “cò” thủ tục hành chính, thực hiện thay chủ hàng các thủ tục để thông quan hàng hoá. Nếu như trước đây, số tiền dịch vụ cho các "nhà luật" này chỉ vài triệu đồng thì thời gian qua đã tăng lên hàng chục triệu. Việc thanh toán không có hoá đơn, chứng từ.

Trả lời Báo Lao Động về vấn đề trên, ông Nguyễn Hữu Vượng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn khẳng định: “Nhà luật” là cách gọi của các lái xe, trên thực tế họ đều được chủ hàng, cử đến thực hiện thủ tục hải quan với danh nghĩa là nhân viên của các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, có giấy giới thiệu, giấy ủy quyền. 

Theo Luật Lao động, họ có thể làm việc cho bất kỳ cơ quan, doanh nghiệp nào, có thể có trường hợp 1 người đến, đại diện cho nhiều doanh nghiệp khác nhau để thực hiện thủ tục. Cơ quan Hải quan không có quyền kiểm tra, không có chế tài nào để xử lý những trường hợp này.

Các đơn vị vận tải thanh toán phí dịch vụ cho "nhà luật" không có hoá đơn, chứng từ mà chỉ có giấy viết tay như thế này. Ảnh: Tài xế cung cấp.

Cùng trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Lao Động, đại tá Nguyễn Xuân Thu, phó giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, việc các đơn vị, cá nhân được gọi là “nhà luật” chèn ép tài xế, nhà xe tại cửa khẩu thì là vấn đề xảy ra tại cửa khẩu, thuộc khu vực do lực lượng Biên phòng, Hải quan quản lý, Công an tỉnh Lạng Sơn chưa nhận được thông tin trình báo hay đơn thư tố giác liên quan về vấn đề này.

"Đến nay, cũng chưa có lái xe, đơn vị vận tải nào đến Công an tỉnh Lạng Sơn trình báo nội dung này", đại tá Nguyễn Xuân Thu nói.

20 đại lý Hải quan hoạt động không hiệu quả

Bên cạnh đó, nhiều người thắc mắc, hiện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 20 Đại lý Hải quan được Tổng cục Hải quan công nhận, tại sao các chủ hàng, doanh nghiệp vận tải không làm thủ tục thông quan qua 20 đại lý này mà lại thông qua các đơn vị, cá nhân được gọi là "nhà luật".

Ông Nguyễn Hữu Vượng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết hoạt động thương mại diễn ra trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 2 loại hình chính: Hoạt động xuất, nhập khẩu theo thông lệ quốc tế (chính ngạch) diễn ra tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị và Chi Ma và ga quốc tế Đồng Đăng. Và một loại hình không theo thông lệ quốc tế (tiểu ngạch) ở Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh.

Hiện nay, liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu không theo thông lệ quốc tế thì các đại lý làm thủ tục hải quan không can thiệp vào những việc này.

 Tại các cửa khẩu Lạng Sơn hiện chỉ còn tồn 266 xe hàng hoá, giảm 20 lần so với ngày 19.12.2021. Ảnh: Hữu Chánh.

Bên cạnh đó, qua theo dõi của Cục Hải quan Lạng Sơn, hầu hết đại lý hải quan trên địa bàn tỉnh hiện không thực hiện nhiệm vụ của mình. 

"Các đại lý chủ yếu thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp của chính doanh nghiệp mình, chứ không đứng ra ký hợp đồng với các doanh nghiệp khác", Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết.

Việc đại lý làm thủ tục hải quan trong thời gian qua hoạt động không có hiệu quả nên dẫn đến việc Cục Hải quan Lạng Sơn đã phải tổ chức một Hội nghị riêng để lắng nghe các đại lý đề đạt, kiến nghị những vướng mắc.

"Tại Hội nghị này, các doanh nghiệp tỏ ra không mặn mà với việc làm đại lý làm thủ tục hải quan", ông Vượng thông tin thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn