MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cục Quản lý Khám chữa bệnh thông tin về 4 kịch bản phòng chống nCoV

Thùy Linh LDO | 05/02/2020 12:19

Hiện nay, Bộ Y tế đã xây dựng bốn kịch bản đối phó với dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV). Trong trường hợp các cơ sở điều trị vượt quá công suất, có thể thành lập bệnh viện dã chiến.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, Việt Nam đã có kế hoạch phòng chống dịch do virus Corona gây ra và sẽ luôn sẵn sàng chủ động trong mọi tình huống.

Hiện nay, Bộ Y tế đã xây dựng bốn kịch bản đối phó với dịch viêm phổi cấp do virus Corona.

Kịch bản thứ nhất, khi phát hiện các trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam, sẽ khoanh vùng xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng trong cộng đồng.

Kịch bản thứ hai, từ ca xâm nhập đó lây lan sang người ở Việt Nam, cần phát hiện sớm bệnh nhân viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân về Việt Nam từ vùng có dịch.

Kịch bản thứ ba là dịch bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng, dưới 1.000 ca. Khi ấy hệ thống y tế địa phương cần đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng. 

Kịch bản thứ tư là trên 1.000 ca mắc bệnh. Tất cả kịch bản này, bộ đều có phương án đối phó. Trong trường hợp các cơ sở điều trị vượt quá công suất, có thể thành lập bệnh viện dã chiến.

Việt Nam đang ứng phó với dịch bệnh do chủng mới của virus Corona theo kịch bản thứ ba.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, tất cả các kịch bản này đều đã có phương án. "Trong trường hợp các cơ sở điều trị vượt quá lưu lượng, lúc đó mới có thể thành lập bệnh viện dã chiến. Dưới 1.000 ca, chúng ta cũng chưa cần nhưng số lượng vài nghìn ca thì phải xây bệnh viện dã chiến. Chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch và các bộ ban ngành có liên quan để kịp thời chỉ đạo các vấn đề liên quan”, ông Khoa nói. 

Hiện nay, Bộ Y tế đang đi đúng hướng theo những phương pháp đã thành công trong dịch SARS phù hợp với phương pháp phòng dịch do Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo. Việt Nam đang giám sát những ca bệnh, phát hiện sớm những người đi từ vùng dịch.

Đồng thời, triển khai phác đồ điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, ngành y tế đang triển khai biện pháp phòng ngừa lây nhiễm ở cơ sở y tế, đặc biệt là từ người bệnh sang nhân viên y tế. Mọi phương pháp phòng dịch đều được thực hiện nghiêm ngặt, quyết liệt.

“Điều đáng lo nhất là các ca bệnh ở Trung Quốc đang gia tăng, chưa có dấu hiệu ngừng. Vì thế, chúng ta phải tính đến tình huống xấu nếu lây sang cộng đồng Việt Nam. Chúng tôi vẫn tin tưởng rằng Việt Nam sẽ đối phó được với dịch bệnh lần này”, ông Khoa nói thêm.

Tuy nhiên, người dân cũng không nên quá chủ quan, nếu phát hiện những triệu chứng ho sốt và có tiếp xúc với những người đi về từ vùng dịch nên đến những cơ sở y tế gần nhất để nhanh chóng xác định, xét nghiệm, tránh lây lan cho người khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn