MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phun thuốc khử khuẩn chuẩn bị đón học sinh trở lại trường. Ảnh: P.V

Cung ứng vật tư phòng dịch khi 23 triệu học sinh trở lại trường

Đặng Chung - Cường Ngô LDO | 27/02/2020 07:18

Để chuẩn bị đón học sinh trở lại trường vào những ngày tới, các địa phương, trường học đang gấp rút thực hiện vệ sinh trường lớp, trang bị khẩu trang, nước rửa tay, máy đo nhiệt độ... để đảm bảo an toàn cho học sinh. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn lo, khi 23 triệu học sinh, sinh viên cả nước trở lại trường, trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, liệu có cung ứng đủ trang thiết bị, vật tư y tế để làm tốt công tác phòng dịch trong trường học?

Trường học lo thiếu khẩu trang, máy đo nhiệt độ

Đến thời điểm này, nhiều địa phương cho biết, đã sẵn sàng các điều kiện đón học sinh trở lại trường. Theo ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội - nếu không có gì thay đổi, khoảng 2 triệu học sinh trên địa bàn thủ đô sẽ quay trở lại trường vào 2.3 tới. Thời gian qua, công tác phòng chống dịch tại các cơ sở giáo dục đã được ngành triển khai tích cực, chủ động. Đến nay, trên toàn thành phố chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm COVID-19.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh khi quay trở lại trường, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu các trường không được chủ quan, tiếp tục trang bị đầy đủ công cụ, phương tiện để vệ sinh, khử khuẩn lớp học hằng ngày.  Tất cả các lớp học bắt buộc phải có máy đo thân nhiệt, có sổ theo dõi biểu mẫu nhiệt độ của học sinh, kiểm tra nhiệt độ 2 lần/ngày; phải có khẩu trang dự phòng trong trường hợp cần thiết, cũng như chuẩn bị đầy đủ xà phòng, nước sát khuẩn, làm công tác khử khuẩn trước khi học sinh vào lớp và ra về.

Vào 2 ngày thứ bảy và chủ nhật cuối tháng 2.2020, lãnh đạo TP.Hà Nội và các quận, huyện sẽ đi kiểm tra. Nếu cơ sở giáo dục nào không làm tốt công tác vệ sinh trường lớp, kiên quyết sẽ không cho đón học sinh và xử lý cán bộ, hiệu trưởng.      

Tại các địa phương khác như Nghệ An, Hải Dương, Hưng Yên... công tác chuẩn bị đón học sinh trở lại trường cũng được rốt ráo thực hiện. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương Lương Văn Việt cho biết, sở đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cho học sinh đi học lại vào ngày 2.3. Hiện 100% cơ sở đã phun thuốc khử trùng, trong đó nhiều trường phun thuốc đợt 2. Trước thời điểm học sinh trở lại trường, ngành Giáo dục Hải Dương sẽ thực hiện vệ sinh khử khuẩn trường lớp, chuẩn bị đủ các điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn cho học sinh, giáo viên.

Dù công tác vệ sinh trường lớp đã được thực hiện tốt, nhưng hiện điều khiến các trường lo lắng là thiếu vật tư y tế khi học sinh đi học trở lại, đặc biệt là khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, máy đo thân nhiệt...

 Ông Nguyễn Thế Đại - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sơn Tây (Hà Nội) - cho biết, trên địa bàn thị xã có gần 1.100 lớp. Theo quy định của thành phố thì mỗi lớp phải có 1 dụng cụ đo thân nhiệt, 1 hộp khẩu trang y tế dự phòng, nước rửa tay, nhưng đến nay chỉ một phần số lớp trang bị được đầy đủ những dụng cụ này. Nguyên nhân theo ông Đại là khó đặt mua được số lượng lớn cùng một lúc để cung ứng đầy đủ cho các lớp học.

Các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Mê Linh của Hà Nội cũng có chung phản ánh về việc khó tìm mua đủ những thiết bị, vật tư y tế cần thiết phục vụ công tác phòng dịch khi học sinh trở lại trường. Đặc biệt với khẩu trang y tế, các trường đã khuyến cáo mỗi phụ huynh chuẩn bị khẩu trang cho các em nhưng theo quy định vẫn phải chuẩn bị khẩu trang dự phòng. Mà hiện lượng khẩu trang dự phòng ở các trường rất hạn hẹp. Dù địa phương có chủ trương hỗ trợ kinh phí, nhưng lo khó mua đủ hàng. Tại TPHCM và các địa phương khác,  lãnh đạo trường học cũng chung nỗi lo.

Trước thực tế phản ánh này, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - công nhận dù có tiền nhưng chưa chắc đã mua được một lúc với số lượng lớn vật tư y tế phòng dịch trong thời điểm này, bởi nhu cầu rất lớn. Ông “hiến kế”, các trường nên linh hoạt, không quá máy móc, miễn làm sao vẫn giám sát, theo dõi được sức khỏe của học sinh.

Chẳng hạn nếu thiếu khẩu trang y tế thì có thể dùng khẩu trang vải. Hay không có máy đo điện tử thì có thể sử dụng nhiệt kế cặp nách. Vấn đề quan trọng nhất là tuyên truyền cho giáo viên, học sinh các biện pháp phòng tránh như rửa tay thường xuyên. Khi nhận thấy thân nhiệt của trẻ có dấu hiệu sốt, giáo viên phải đưa đến phòng y tế ngay để kiểm tra và thông báo cho trạm y tế xã, phường, cơ quan quản lý và cha mẹ học sinh để theo dõi.

Sẽ làm hết công suất để cung ứng đủ

Trước phản ánh của các địa phương về việc lo thiếu khẩu trang và các vật tư y tế phòng dịch khác khi học sinh trở lại trường, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết,  hiện nay lãnh đạo Chính phủ đã giao Bộ Y tế (Vụ Trang thiết bị y tế) chịu trách nhiệm về khẩu trang y tế theo đúng chức năng nhiệm vụ về sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trang thiết bị y tế.

Bộ Công Thương chỉ phối hợp một số việc, trong đó có hỗ trợ tìm nguồn nhập khẩu (cả khẩu trang và nguyên liệu sản xuất), thúc đẩy sản xuất khẩu trang vải (kháng khuẩn và vải bình thường nếu được Bộ Y tế chấp thuận về quy chuẩn để giảm sức ép về khẩu trang y tế) và hỗ trợ điều tiết trong lưu thông phân phối mặt hàng này.

Nói rõ thêm về vấn đề này, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - thông tin, ngành Công Thương đã kêu gọi các doanh nghiệp tìm nguồn vải, sản xuất nguồn vải, kết nối cung cầu giữa đơn vị có vải và đơn vị may, đẩy nhanh việc đưa khẩu trang kháng khuẩn ra thị trường, cung ứng đủ mặt hàng khi học sinh, sinh viên trở lại trường.

“Trong tháng này đã có hơn 10 triệu chiếc khẩu trang kháng khuẩn ra thị trường để phục vụ người dân. Trong đầu tháng 3, các đơn vị may tiếp tục gia công với lượng vải hơn 10 tấn/ngày” - bà Nga cho hay.

Trao đổi với Lao Động, ông Trần Việt - Tổng Giám đốc Công ty Dệt kim Đông Xuân - cũng cho biết, trong những ngày tới, cán bộ công nhân viên công ty sẽ làm việc hết công suất, gia tăng sản xuất khẩu trang vải và bán ra thị trường để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của dân cư. Sản phẩm khẩu trang của công ty bằng vải dệt kim có 2 lớp; trong đó có một lớp kháng khuẩn, tái sử dụng khoảng 30 lần giặt, có thể sử dụng trong phòng dịch.

Bộ Y tế khuyến cáo học sinh không cần đeo khẩu trang khi ở trường

Trong công văn gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo góp ý nội dung phòng chống dịch COVID-19 trong trường học, Bộ Y tế có khuyến cáo một số biện pháp đảm bảo an toàn khi học sinh trở lại trường.

Theo Bộ Y tế, nhà trường thông báo cho giáo viên, cán bộ công nhân viên của trường, cha mẹ học sinh, học sinh không cần đeo khẩu trang khi ở trường. Nhà trường sẽ khuyến cáo đeo khẩu trang khi cần thiết. Đặng Chung

Trường đại học tự may khẩu trang, phát miễn phí cho sinh viên

Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) đã hướng dẫn sinh viên làm khẩu trang 8 lớp từ giấy lau miệng, dây thun rất đơn giản nhưng đảm bảo vệ sinh để sử dụng.

Còn theo lãnh đạo Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, dự kiến hết tuần này, số lượng khẩu trang trường sản xuất được sẽ đạt trên 30.000 chiếc.

Cũng thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh khi sinh viên đi học trở lại, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thông báo sẽ triển khai mua khẩu trang vải kháng khuẩn, giặt và dùng được 30 lần để tặng giảng viên, học viên, sinh viên khi mọi người trở lại trường. Tổng số tiền dành cho việc mua khẩu trang của trường là 435 triệu đồng để tặng cho 35.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh và 1.800 giảng viên. Đ.Chung

TPHCM chuẩn bị nguồn khẩu trang vải phòng dịch COVID-19

Theo số liệu từ Sở Công Thương TPHCM, hiện thành phố có 20 doanh nghiệp chuyên sản xuất khẩu trang y tế với khả năng cung ứng 2.532.000 cái/ngày. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất vì nguồn cung ngày càng khó khăn và đắt đỏ hơn. MINH QUÂN

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn