MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ô nhiễm môi trường dòng sông Nhuệ đoạn chảy qua Hà Đông. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Cuộc chiến với rác: Cần những giải pháp đồng bộ (Kỳ cuối)

CAO NGUYÊN - THÔNG CHÍ LDO | 17/10/2017 07:00
Sau khi báo Lao Động đăng tải chuyên đề về vấn đề rác thải tại Phú Quốc, Hà Nội, TPHCM trong số báo ra ngày 16.10, nhiều ý kiến đã đồng tình và nhiều chuyên gia, nhà quản lý khẳng định sẽ tích cực hơn trong cuộc chiến với rác.

7 giải pháp lớn

Trao đổi với PV Lao Động chiều ngày 16.10, Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân hoan nghênh Báo Lao Động đã đăng bài về vấn đề bất cập trong xử lý rác thải sinh hoạt đang gây bức xúc cho người dân. “Đây là vấn đề nóng, không chỉ các đô thị lớn mà cả khu vực nông thôn. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hoá nhanh khiến việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt gia tăng rất lớn và trở thành vấn đề bức xúc. Nhất là tại các khu đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM hay các điểm du lịch như Phú Quốc” - Thứ trưởng nói.

Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, để giải quyết vấn đề trên, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp; sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương.

Cụ thể, thứ nhất là hoàn thiện các văn bản pháp luật. Quy đầu mối thống nhất quản lý việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương, không để chồng chéo như hiện nay khi có nơi thì Sở Xây dựng, có nơi Sở TNMT quản lý việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Thứ hai, phải đưa việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt là lệ phí sang giá dịch vụ môi trường. Để xử lý chất thải rắn sinh hoạt, theo tính toán hiện nay người xả thải chỉ mới đóng 20% tổng chi phí, phần còn lại lên tới 80% vẫn là ngân sách chi trả. Nếu đưa thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành giá dịch vụ thì sẽ tạo điều kiện rất lớn để các doanh nghiệp môi trường đầu tư vào xử lý rác thải sinh hoạt.

Thứ ba, triển khai thực hiện quy hoạch, hiện nay các địa phương đều có quy hoạch về xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhưng một số quy hoạch rất khó thực hiện, không sát thực tiễn.

Thứ tư, thay đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt là rất quan trọng; hiện nay khoảng 80% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng hình thức chôn lấp, nên mang tính tạm thời, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường. Thời gian tới phải tiến tới công nghệ tái chế rác thải, đốt rác - phát điện, xử lý rác thải thành phân bón để nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường.

Thứ năm, thúc đẩy xã hội hoá việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, tạo các điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải.

Thứ sáu, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường đối với các cấp chính quyền và người dân. Và cuối cùng, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của cộng đồng dân cư về việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương.

Đi sâu cụ thể vào thực trạng mà Báo Lao Động nêu về tình trạng chất thải sinh hoạt tràn ngập tại các địa phương, thậm chí nhiều nơi hình thành các bãi rác để lâu nhiều ngày bốc mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, sẽ chỉ đạo Tổng cục Môi trường, Sở TNMT các tỉnh, thành phố vào cuộc mạnh mẽ xử lý vấn đề cụ thể báo nêu.

“Tổng cục Môi trường và các Sở TNMT phải có trách nhiệm đề xuất các giải pháp cụ thể, hữu hiệu; làm việc với các địa phương để có biện pháp xử lý nhanh chóng những bãi rác ô nhiễm, không để thành điểm nóng về ô nhiễm môi trường”.

Phải phân loại được rác

Trao đổi với Lao Động, PGS-TS Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Hội hóa học Việt Nam; Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng - chia sẻ, vấn đề cốt lõi ở đây là quy hoạch. Theo PGS- TS An, lẽ ra việc quy hoạch rác cần phải tổng thể, vĩ mô. Nếu ở trên toàn quốc thì người ta phải để quy hoạch rác ở hạ lưu. Tức hạ lưu tổng thể.

Theo GPS-TS An, cần phải biến công nghiệp rác thành một công nghiệp sản xuất ra tiền. Khi mình thu tiền của dân để gom rác nhưng mình phải đem tái chế ra các sản phẩm để thu lại tiền lúc đó mới thành công.

Ngoài ra, một vấn đề cốt lõi nữa đó là hiện nay ở Việt Nam chưa phân loại được các loại rác. Vấn đề này đang vướng ở cả người dân lẫn nhà quản lý. Khi rác không phân loại được đổ ra môi trường nước bẩn ngấm vào đất rất ô nhiễm, phát sinh ra nhiều thứ. Chính vì vậy, cần phải siết chặt quản lý nhà nước. Cần phải đổ rác đúng chỗ, đúng nơi quy định, còn nếu không cần phải có chế tài thật nặng.

Theo PGS-TS Tăng Thị Chính, (Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng vấn đề nan giải nhất trong xử lý rác thải sinh hoạt ở Việt Nam đó chính là quá trình phân loại rác. Trong quy trình xử lý rác, chi phí về phân loại rác chiếm từ 70%-80%. Bởi vậy, ở các nước phát triển như Nhật Bản, các hộ gia đình, khi bỏ rác ra khỏi nhà mà không phân loại thì các đơn vị môi trường sẽ không tiến hành thu gom rác cho gia đình đó.

Theo bà Chính, nếu mỗi gia đình chỉ cần bỏ ra từ 5-10 phút/ngày để phân loại rác, thì sẽ tiết kiệm hàng tỉ đồng/ngày cho các nhà máy xử lý và tái chế rác thải. Do đó, điều mà PGS-TS Tăng Thị Chính mong muốn là công tác tuyên truyền về ý thức cho người dân được đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt là công tác giáo dục.

Phải giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho mọi người ngay từ khi còn nhỏ. Có như vậy, tư duy và nhận thức về môi trường của con người mới được cải thiện. Và “cuộc chiến” với rác thải mới có hiệu quả thực sự để môi trường của Việt Nam cũng sẽ được bảo vệ tốt hơn từ chính các thế hệ tương lai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn