MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Số thuê bao phát tán cuộc gọi rác được các nhà mạng ngăn chặn trong tháng 11.2020. Nguồn: Cục Viễn thông

Cuộc gọi rác vẫn hoành hành: Nhà mạng vẫn chưa nỗ lực hết sức?

Thế Lâm LDO | 23/12/2020 07:34
Càng về cuối năm, tình trạng cuộc gọi rác hoành hành đang quay trở lại. Vẫn là các dịch vụ rao bán, cho thuê nhà đất, căn hộ nghỉ dưỡng; dịch vụ bảo hiểm nhân thọ; suất nghỉ dưỡng; suất học tiếng Anh… liên tục gọi đến người dùng di động.

Lắng xuống rồi lại bùng lên…

Khách quan mà nói, sau khi Nghị định 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác có hiệu lực từ ngày 1.10.2020, tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác mà hầu hết là telesale (quảng cáo, bán hàng qua điện thoại) đã có một số thời điểm lắng xuống. Sự lắng xuống trước hết là một phản ứng nhằm để nghe ngóng tình hình, nhưng rồi sau đó lại bùng lên. Còn tại thời điểm hiện nay, rơi vào mùa cao điểm bán hàng, tình trạng cuộc gọi rác rao bán căn hộ, căn hộ nghỉ dưỡng, đất nền, dịch vụ bảo hiểm… đã bùng lên mạnh mẽ trở lại.

Người viết bài này, cho dù đã vào website của Cục An toàn thông tin đăng ký số điện thoại di động cá nhân vào danh sách không nhận cuộc gọi quảng cáo bán hàng (DoNotCall), tuy nhiên hiện mỗi ngày vẫn nhận được từ 5-10 cuộc gọi telesale, tập trung chủ yếu vào mạng VinaPhone, tiếp đó là MobiFone. Họa hoằn lắm, người dùng mới nhận được tin nhắn dạng USSD (tương tác tốc độ cao) hỏi xác nhận số thuê bao gọi đến có phải đã phát tán cuộc gọi telesale gây phiền nhiễu hay không.

Chị Tuyết Mai (TPHCM) - một thạc sĩ hoạt động trong lĩnh vực marketing - cho biết, số thuê bao MobiFone của chị hiện mỗi ngày cũng nhận được từ 2-3 cuộc gọi rác và cũng rất hiếm khi nhận được tin nhắn USSD từ nhà mạng hỏi xác nhận số thuê bao đó có phải đã phát tán cuộc gọi rác hay không. Tuy nhiên, một cách công tâm, không phải người dùng nào cũng xác nhận bừa, mà muốn tra cứu lại lịch sử các cuộc gọi trước khi xác nhận. Thế nhưng, giao thức tin nhắn USSD được gửi từ nhà mạng hiện bất tiện ở chỗ, khi người dùng thực hiện bất cứ thao tác nào dù chưa xác nhận thì tin nhắn đã biến mất.

Nhà mạng đã nỗ lực hết sức chưa?

Cũng đề cập đến trường hợp tin nhắn xác nhận cuộc gọi rác USSD được gửi từ nhà mạng chưa thực sự thuận tiện cho người dùng, anh Cường Nguyễn (Hà Nội) đặt câu hỏi: Vì sao nhà mạng không tạo ra cơ chế và tiện ích kỹ thuật để người dùng báo cáo số thuê bao phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua tin nhắn một cách thuận tiện hơn?

Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Khoa Hồng Thành (sáng lập Công ty truyền thông Emerrald, TPHCM), cơ chế thuận tiện cần tạo ra là để người dùng báo cáo số thuê bao phát tán cuộc gọi rác cho nhà mạng như cách người dùng Facebook, YouTube có thể chủ động báo cáo các tài khoản, nội dung vi phạm vào bất cứ lúc nào chứ không phải chờ đến khi nhà mạng gửi tin nhắn để hỏi thì người dùng mới có cơ hội báo cáo.

Vấn đề cần phải đặt ra một cách sòng phẳng và thẳng thắn là, một số cơ quan, đơn vị quản lý được giao nhiệm vụ ngăn chặn tình trạng tin nhắn rác và cuộc gọi rác, cùng với các nhà mạng, đã thực sự nỗ lực hết mình để ngăn chặn tình trạng cuộc gọi rác theo yêu cầu của Chính phủ cũng như lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông hay chưa? Do đó, trên thực tế, tình trạng cuộc gọi rác hiện vẫn đang hoành hành trở lại vào dịp cuối năm.

Không cần đưa ra nhận định gì thêm mà chỉ cần dẫn ra những con số sau đây của Cục Viễn thông cũng đủ thấy nỗ lực ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác nhằm bảo vệ người dùng được các nhà mạng thực hiện ra sao. Theo nguồn của Cục Viễn thông, tháng 11.2020, trong tổng số 20.235 số thuê bao phát tán cuộc gọi rác bị nhà mạng xử lý thì Viettel xử lý 49%, VNPT chiếm 37%, I Telecom 6,7%, MobiFone chiếm 5,9%, Vietnamobile 0,7%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn