MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những ngôi nhà của đồng bào dân tộc Mông ở Mù Cang Chải (Yên Bái) nằm chênh vênh bên sườn núi. Ảnh: Bảo Nguyên

Cuộc sống bấp bênh bên những khu vực nguy cơ sạt lở

Bảo Nguyên LDO | 13/07/2023 06:00

Tại các tỉnh vùng cao Tây Bắc, hiện có hàng chục nghìn hộ dân sinh sống trong các khu vực nguy cơ sạt lở cao và hầu như năm nào cũng xảy ra vụ việc đáng tiếc. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm tình trạng này đang là bài toán khó với người dân và cả chính quyền địa phương.

Bão về, người dân lại khăn gói đi ở nhờ

Từ thị trấn Mù Cang Chải (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) đến xã Dế Xu Phình, những ngày qua, nơi đây đang có mưa lũ lớn khiến đường đi càng trở nên lầy lội, nguy hiểm hơn.

Hàng loạt ngọn núi xuất hiện các vết nứt như “quả bom nổ chậm khổng lồ” đang đe dọa những ngồi nhà phía dưới của đồng bào dân tộc Mông.

Cán bộ xã Dế Xu Phình cho biết, nếu trời tiếp tục mưa to, khi đất đã “no” nước, các khe nứt kia sẽ biến thành những quả bóng nước lớn, chỉ chờ lúc bung ra và sẽ gây sạt lở đất đá.

Còn tại Lào Cai, sau buổi làm việc ngày 11.7.2023, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống thiên tai ghi nhận từ đầu năm đến nay trên địa bàn xảy ra nhiều đợt mưa lớn gây sạt lở, thiệt hại về người và tài sản.

Khảo sát ở thôn Chúng Chải B, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương, 23 hộ dân luôn phải sống trong nỗi lo âu cho sự an toàn của bản thân và gia đình mỗi khi mùa mưa lũ cận kề.

Trưởng thôn Chúng Chải B nói, dù biết là nguy hiểm nhưng bà con cũng không có điều kiện để di chuyển đi nơi khác. Hơn thế nữa, muốn di chuyển thì cũng phải được xã, huyện bố trí đất ở, rồi còn các công trình phụ trợ như điện lưới quốc gia, đường giao thông. Do vậy, mỗi đợt mưa lũ kéo dài bà con lại khăn gói đi ở nhờ ở khu vực cao hơn…

Từ thực tế trên, tỉnh Lào Cai đề nghị đoàn công tác báo cáo với Chính phủ, các bộ, ngành hỗ trợ địa phương triển khai dự án sắp xếp dân cư khẩn cấp ra khỏi vùng sạt lở đất với kinh phí dự kiến khoảng 30 tỉ đồng.

Riêng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, tỉnh đến tháng 7.2023, có 91 điểm, khu vực với gần 4.000 hộ dân bị ảnh hưởng, có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất cần di dân.

Tuy nhiên, một cán bộ xã nơi đây cho biết, do thiếu quỹ đất tái định cư nên việc di dời dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ thiên tai nguy hiểm vẫn là câu chuyện khó.

Tuyên truyền bà con thay đổi tập tục sinh sống

Để khắc phục khó khăn đó, các địa phương đang tích cực tuyên truyền người dân thay đổi tập tục sinh sống bên bờ khe suối, chân ta luy cao là nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất khi có lượng mưa lớn. Khuyến khích người dân di dời ra khỏi vùng nguy hiểm theo hướng tái định cư xen ghép vừa đảm bảo an toàn vừa không thay đổi nhiều trong sinh hoạt và sản xuất.

Đồng thời, vận dụng mọi nguồn lực, bố trí quỹ đất xây dựng các khu tái định cư đảm bảo an toàn, phù hợp với điều kiện sinh sống và sản xuất của nhân dân. Hỗ trợ thay đổi cơ cấu cây trồng, biện pháp canh tác đảm bảo ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo khu vực sản xuất an toàn cho người dân.

“Trong khi chờ đợi nguồn lực và quỹ đất tái định cư, các giải pháp trước mắt của địa phương là chú trọng đến công tác dự báo thiên tai; xây dựng sẵn phương án đảm bảo an toàn cho các hộ trong vùng sạt lở. Đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo cho người dân chủ động ứng phó với thiên tai nói chung và hiện tượng sạt lở đất nói riêng; kiện toàn, phát huy tốt phương châm 4 tại chỗ khi mưa lũ xảy ra” - đại diện Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn