MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sư trụ trì Thích Diệu Mơ coi đàn khỉ như con và yêu thương chúng hết mực. Ảnh: LN.

Cuộc sống mới của các "hậu duệ Tôn Ngộ Không" dưới chân núi Nhẫm

Long Nguyễn - Hoài Anh LDO | 26/01/2020 19:30

Cuộc sống mới của bầy khỉ đói được cứu vớt dưới chân núi Nhẫm Dương (Duy Tân, Kinh Môn, Hải Dương) giờ đã có phần tươm tất hơn trước: Những chuồng cũi rộng rãi hơn; những khẩu phần đầy đặn hơn và những vòng tay ấm áp hơn... 

This browser does not support the video element.

Clip sư Thích Diệu Mơ chăm sóc, chơi đùa cùng bầy khỉ.

Những năm xưa tháng cũ

Ngôi cổ tự Nhẫm Dương sở hữu khuôn viên khá khiêm tốn. Chùa nằm nép mình ở phía Đông núi Nhẫm, giữa góc nhỏ xanh rờn lá và quần thể hang động đẹp tựa tranh thủy mặc.

Còn bên bờ Tây thì nham nhở như thỏi gang đúc hỏng, hệ quả của việc khai thác đá tràn lan phục vụ cho ngành công nghiệp xi măng bỏng rẫy suốt mấy mươi năm qua.

Bờ Tây núi Nhẫm xù xì như thỏi gang đúc dở, hệ quả của quá trình nổ mìn phá đá.

Những ngày đầu năm mới, ngôi cổ tự khởi dựng từ thời Trần này chộn rộn khách thập phương đến cúng lễ. Người qua kẻ lại trong vội vã. Chẳng mấy ai thong thả để kịp nhận ra phía bên phải chính điện, dưới một trũng đất sâu có mấy lồng sắt nhỏ, là nơi lánh nạn của bầy “đại thánh” được chính tay sư trụ trì cứu vớt.

So với cách đây vài năm, thời điểm tác giả bài viết này cũng có dịp ghé thăm chùa, cuộc sống của bầy khỉ đã nhiều phần tươm tất hơn.

Nếu như trước đây các chú khỉ phải sống trong những cũi sắt hoen gỉ, chật hẹp thì nay đã là cả 1 quần thể khang trang, rộng rãi.

Kích thước các lồng sắt đều được nới rộng ra đáng kể, khá đồng bộ bằng rào sắt B40 và đủ rộng để cây cối mọc bên trong. Từ trong lồng, bầy khỉ có thể tự do quan sát chạy nhảy một cách thoải mái. Cứ đến bữa, chúng đều được ăn thỏa thích hoa quả, gồm cả món ăn đặc biệt khoái khẩu - chuối. 

Lồng sắt cũ chật hẹp từng dùng để nhốt bầy khỉ. Ảnh tư liệu. 

Trụ trì chùa Nhẫm Dương là sư Thích Diệu Mơ (57 tuổi) - dáng người nhỏ nhắn cùng khuôn mặt nhân từ và rắn rỏi.

Hàng chục năm gắn bó tôn tạo chùa, sư nhận được sự tin yêu và kính trọng của nhân dân trong vùng vì nhiều nhẽ. Nhưng nổi bật nhất có lẽ vẫn là việc sư đã dùng chính sinh mạng của mình để đấu tranh giữ lại được phần Đông núi Nhẫm, giữ được chùa, giữ lại được cảnh quan di tích. 

Và sư Mơ cũng là người đã giang tay cứu vớt những con khỉ vàng cuối cùng trong vùng khỏi phen diệt vong trước sự hung hiểm của con người.

Dãy chuồng trại mới của bầy khỉ đã khang trang hơn trước nhiều. 

Trong kí ức của mỗi người dân phố núi Kinh Môn, chẳng phải đâu xa, mới độ cách nay hai chục năm, những dãy núi tai mèo nơi đây ràn rạt khỉ. Chỉ tính riêng dãy núi Nhẫm đã có cả chục đàn khỉ vàng, mỗi đàn có vài chục con. Chúng kiếm ăn khắp các rông núi.

Nhưng rồi, những ngọn núi trong vùng lần lượt bị tàn phá. Tiếng máy xúc, máy ủi, tiếng nổ mìn vang vọng suốt ngày đêm đã nhấn chìm nhiều trảng đồi xanh thẳm.

Đàn khỉ bị dồn ứ về núi Nhẫm, là quả núi duy nhất còn sót lại trong vùng do sư Mơ kiên quyết giữ gìn. Đúng lúc ấy lại rộ lên phong trào ngâm rượu khỉ, cao khỉ, nên giống loài này bị tàn sát không sao kể xiết.

Cả huyện Kinh Môn (Hải Dương) giờ như một đại công trường với hàng trăm quả đồi bị nổ mìn, san gạt để phục vụ ngành công nghiệp xi măng. 

Cả nghìn con khỉ đã bị ngâm cao, bị phạt đầu ăn óc sống hoặc xuất lậu sang Trung Quốc. Sự tàn sát ghê rợn đến mức cả rặng núi già nua nay chỉ còn thấp thoáng một hai bóng khỉ, nhưng cũng sợ hãi trốn biệt trong hang đá.

Chẳng còn cách nào khác, vị trụ trì đành chấp nhận gây dựng lại đàn khỉ bằng cách tìm gặp và mua lại những con khỉ người ta đem bán, dù giá có cao bao nhiêu.

Sư còn dặn thập khách ai có khỉ mà không nuôi được thì chuyển lên chùa hoặc ai thấy người ta bán khỉ ở đâu thì giới thiệu để sư có thể kịp thời đưa về nuôi dưỡng.

Mong bầy khỉ được an yên

Tạm gác lại những bận rộn quay cuồng dịp năm mới, sư Mơ dẫn chúng tôi đến phía khu vực lồng sắt, nơi có những chú khỉ cuối cùng đang cư ngụ rồi âu yếm cho biết, hiện có 25 cá thể đang được nuôi dưỡng tại đây. Có con sư đích thân giải cứu, cũng có con phật tử thập phương đem tặng.

Cứ mỗi khi được thả ra ngoài, việc đầu tiên của lũ khỉ là ôn lấy và nũng nịu sư Mơ. 

Sư chỉ tay vào từng lồng sắt tách biệt, gọi tên và giới thiệu với chúng tôi tính cách của từng con, say sưa hệt như một người mẹ tần tảo nói về bầy trẻ thơ của mình.

Sư kể: “Ngày thường chùa vắng vẻ, tôi cũng thả chúng ra chơi. Chúng thực sự rất thông minh, mỗi con một tính giống như con người vậy. Mặc dù cây cối nhiều, đồi núi rộng, nhưng chúng vẫn luôn ý thức việc chơi đùa trong khuôn viên chùa. Tôi đặt tên để khi gọi là chúng sẽ về ngay”.

Bầy khỉ thấy sư thì quấy quýt mừng vui như trẻ con, nhảy múa quanh lồng, kêu lên những tiếng vui nhộn mong được sư cho ăn, bế nựng.

Sư Mơ và chủ khỉ nghịch ngợm tên Bin. 

Lồng sắt - dù đã rộng rãi hơn trước rất nhiều lần, nhưng thực tế vẫn là thứ rào chắn hữu hình duy nhất đang ngăn trở bầy khỉ trở về thiên nhiên. Nhưng chẳng thể khác được, bởi đó chính là cách duy nhất để chúng tồn tại giữa bộn bề sân si của loài người. Và bầy khỉ, cùng bản năng sinh tồn mãnh liệt, chúng ý thức được điều đó.

Khi PV đặt câu hỏi về tương lai của những chú khỉ tội nghiệp, vị trụ trì lắc đầu buồn bã, nói: "Bây giờ, tôi đành tạm nhốt để bảo vệ chúng. Đợi khi nào có điều kiện thuê bảo vệ trông nom hàng ngày, hoặc người dân thôi săn bắn thì mới dám thả chúng về với thiên nhiên. Ngoài ra thực chẳng biết có giải pháp nào tốt hơn...".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn