MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Phước bên bè cá ở ngay chân cầu La Ngà, huyện Định Quán. Ảnh: Hà Anh Chiến

Cuộc sống “nay lên bờ mai xuống hồ” của người dân làng bè ở Đồng Nai

HÀ ANH CHIẾN LDO | 29/06/2023 19:00

Đồng Nai - Từ khi hồ Trị An hình thành, người dân tụ về mưu sinh bằng nghề đánh bắt thuỷ sản và nuôi cá lồng bè. Sau hàng chục năm, đến nay trên lòng hồ đã có hàng trăm hộ dân làng bè sinh sống, đông nhất là đoạn ngay chân cầu La Ngà thuộc huyện Định Quán, cuộc sống của họ bấp bênh nay đây mai đó…

Lên bờ làm ăn thất bát nên lại xuống hồ sinh sống

Ông Nguyễn Văn Phước (62 tuổi) hiện đang sinh sống trên lòng hồ Trị An, đoạn cầu La Ngà thuộc xã Phú Ngọc, huyện Định Quán – đã dành cả tuổi trẻ sinh sống trên lòng hồ này. Theo đó, khoảng năm 1987, khi ông Phước ở độ tuổi "mười tám đôi mươi" thì công trình thủy điện Trị An đóng đập, cá tôm tự nhiên rất nhiều và rất dễ đánh bắt. Sau đó, ông Phước cưới vợ là bà Nguyễn Thị Bé (62 tuổi) và sinh sống trên lòng hồ.

Ông Phước bên bè cá ở ngay chân cầu La Ngà, huyện Định Quán. Ảnh: Hà Anh Chiến
Vợ ông Phước cũng sinh sống bằng nghề làm cá mắm trên hồ Trị An. Ảnh: Hà Anh Chiến

Đến nay, vợ chồng ông đã có 5 người con, tất cả đều đã trưởng thành, lập gia đình và dời khỏi làng bè để lên bờ với cuộc sống riêng. Duy chỉ có vợ chồng ông Phước vẫn tiếp tục gắn bó với cuộc sống lênh đênh sông nước trên hồ Trị An.

Ông Phước chia sẻ: “Từ khi có lòng hồ Trị An, vợ chồng tôi đã sinh sống nơi đây, làm cá làm mắm để mưu sinh. Cách đây vài năm, vợ chồng tôi có di chuyển lên bờ thay đổi cuộc sống, nhưng do làm ăn thất bát nên hai vợ chồng lại dắt díu nhau về lại hồ Trị An để sinh sống. Dù nguồn tôm cá ngày càng cạn kiệt nhưng mỗi ngày vợ chồng tôi cũng kiếm được 100.000 – 200.000 đồng”.

Bên trong bè cá của gia đình ông Phước. Ảnh: Hà Anh Chiến

Ông Phước chia sẻ thêm, 5 người con của ông, 2 người đã lập nghiệp ở Tây Ninh, 1 người ở Cần Thơ, 1 người ở Bình Dương và 1 người ở Đồng Nai. Hiện ngoài việc sống nhờ nghề đánh bắt thuỷ sản, vợ chồng ông Phước cũng nuôi thêm cá trong lồng bè để “tăng gia sản xuất”…

Cuộc sống ở làng bè trên hồ Trị An cũng giúp nhiều người dân có thêm thu nhập. Mặc dù sống trên bờ, nhưng bà Lã Thị Ngọc Liên (49 tuổi), đã nhiều năm nay làm nghề buôn bán nước giải khát tại bến đò, đoạn chân cầu La Ngà. Bà Liên cho biết, mỗi buổi sáng, hoạt động mua bán của người dân làng bè tại bến đò rất nhộn nhịp nên giúp việc buôn bán trở nên thuận lợi. Ngoài ra, bà Liên còn làm thêm nghề bỏ phuy nước cho các bè cá để kiếm thêm thu nhập.

Tiệm nước giải khát của bà Liên ngay tại bến đò. Ảnh: Hà Anh Chiến

Không chỉ trên hồ Trị An, trên sông Cái, đoạn TP Biên Hoà cũng có hàng trăm hộ dân sinh sống bằng nghề nuôi cá lồng bè được hình thành từ hàng chục năm qua trên khu vực sông Cái (một nhánh sông Đồng Nai).

Năm 2015, TP Biên Hòa đã sắp xếp, giảm số lượng bè, hộ nuôi cá và di dời sang phần sông phía xã Hiệp Hòa. Tuy vậy, đến nay, khu vực sông Cái vẫn có hàng trăm hộ dân sinh sống và làm nghề nuôi cá bè.

Làng cá bè trên sông Cái đoạn qua TP Biên Hoà. Ảnh: Hà Anh Chiến
Người dân mưu sinh bằng nghề đổi phuy nước trên sông Cái. Ảnh: Hà Anh Chiến

Theo chủ trương của thành phố, tất cả các hộ nuôi cá trên sông phải giải tỏa, di dời lên bờ sinh sống và chuyển đổi nghề khi thành phố triển khai hàng loạt dự án giao thông, đô thị ven sông.

Tuy nhiên, một hộ dân nuôi cá bè cho rằng, họ vốn đã quen với cuộc sống sông nước, làm nghề nuôi cá mưu sinh từ hàng chục năm nay, giờ lên bờ, đa số đã lớn tuổi, không thể vào nhà máy làm việc được và cũng không biết làm nghề gì để sinh sống…

Sắp xếp lại làng bè để nuôi thuỷ sản bền vững trên lòng hồ Trị An

Hồ Trị An rộng 32.000 ha có nhiệm vụ cung cấp nước cho thuỷ điện Trị An, nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân vùng hạ lưu bao gồm TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hiện nay trên hồ đang có hàng trăm hộ dân sinh sống và nuôi trồng thuỷ sản trên các lồng bè, mang theo nguy cơ ô nhiễm nguồn nước quan trọng này.

Hàng trăm hộ dân làng bè trên hồ Trị An đoạn cầu La Ngà, huyện Định Quán. Ảnh: Hà Anh Chiến

Theo thống kê, trên hồ Trị An có gần 600 hộ dân cùng số bè tương đương và trên 3.000 lồng nuôi thuỷ sản. Trong đó, tập trung đông nhất trên địa bàn huyện Định Quán với gần 400 hộ với số bè tương đương, cùng hơn 2.000 lồng nuôi. Các hộ dân sinh sống trên vùng lòng hồ Trị An từ khi công trình thuỷ điện Trị An bắt đầu tích nước đến nay.

Cuộc sống làng bè trên hồ Trị An mùa nước cạn. Ảnh: Hà Anh Chiến

Ngoài các hộ nuôi cá bè khu vực La Ngà của huyện Định Quán, trên hồ Trị An còn có các hộ nuôi cá bè tại xã Thanh Sơn, Ngọc Định cũng thuộc huyện Định Quán; xã Mã Đà và thị trấn Vĩnh An thuộc huyện Vĩnh Cửu.

Năm 2020, tỉnh Đồng Nai đã triển khai Đề án Quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An, nhằm bố trí sắp xếp lại vùng nuôi cá lồng bè trên hồ Trị An, đảm bảo ổn định hoạt động nuôi, đảm bảo chất lượng môi trường và hiệu quả kinh tế, hướng đến mục tiêu nuôi thuỷ sản bền vững trên lòng hồ Trị An. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện xong, còn gặp nhiều vướng mắc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn