MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu cách ly tập trung Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô tại Tây Sơn. Ảnh: NVCC

Cuộc sống ở khu cách ly: Vào đây mới thấm nỗi vất vả của bộ đội, y bác sĩ

Tường Vân (ghi) LDO | 20/05/2021 11:45

Chị Đinh Thu Thảo (quận Đống Đa, Hà Nội) nhận được thông tin mình thuộc diện có nguy cơ lây nhiễm COVID 19 cao trong cộng đồng nên đã chủ động khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm và được đưa đi cách ly tập trung ngay trong đêm.

Những ngày cách ly tại khu tập trung hoàn toàn trái ngược với những gì chị lo lắng và hình dung. Phóng viên Báo Lao Động có cơ hội lắng nghe và ghi lại những chia sẻ của chị về cuộc sống đằng sau tấm biển "khu cách ly" này.

Dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng khi biết tin mình thuộc diện có nguy cơ nhiễm bệnh cao, được đưa đi cách ly tập trung, tôi vẫn khá hoang mang, lo lắng. Phần vì thời gian cách ly lần này kéo dài tận 21 ngày, phải bỏ bê công việc, gia đình, người thân, phần vì lo sợ biết đâu mình sẽ trở thành ca bệnh dương tính tiếp theo...

Toàn cảnh khu cách ly Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô ở Sơn Tây. Ảnh: NVCC

2h sáng, xe cứu thương đến đón tôi cùng 2 người nữa, di chuyển đến điểm cách ly Trường quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô, Tây Sơn. Lượng người đi cách ly đông nên xe y tế chạy liên tục, cứ có người thuộc diện cách ly là xe sẽ chạy dù chỉ 1 người.

Những người mới vào như tôi sẽ được phát tờ khai, phiếu theo dõi sức khỏe và được hướng dẫn nội quy để đảm bảo an toàn trong những ngày cách ly. Sau đó, được phân nơi ở theo các khu khác nhau, nam riêng một khu, nữ riêng một khu.

Phòng ở đây rất rộng và thoáng, xếp đủ 8 chiếc giường tầng cho 16 người ở. Hàng ngày, sẽ có các chiến sĩ bộ đội phun khử khuẩn, các y bác sĩ đo thân nhiệt 2 lần. Ai vào đây cũng tự ý thức, tuân thủ theo đúng quy định nên cũng không e ngại vấn đề lây nhiễm chéo.

Mỗi phòng tại khu cách ly gồm 16 giường. Ảnh: NVCC

Tính ra trong này, tôi lại thấy mình sinh hoạt điều độ hơn hẳn so với trước kia. Công việc của tôi khá bận, nhiều lúc còn bỏ cả bữa, không thì ăn qua loa rồi lại cuốn theo công việc.

Mọi người trong này được trợ cấp đầy đủ đồ dùng sinh hoạt cá nhân và được phát 3 bữa ăn đều đặn sáng, trưa, tối theo 3 khung giờ cố định: 6h30, 11h và 17h30. Những người trẻ như tôi sẽ thay phiên nhau nhận cơm về cho cả phòng.

Bữa sáng thì có xôi, bánh mỳ, bánh cuốn..., bữa trưa và tối thì ăn cơm. Cơm trong này đầy đặn và rất ngon. Món ăn liên tục được thay đổi để đỡ nhàm chán và được chế biến khá vừa miệng.

Bữa ăn trưa tại khu cách ly Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: NVCC
Bữa ăn tối tại khu cách ly Trường Quân sự. Ảnh: NVCC

Số lượng người cách ly tăng không ngừng mỗi ngày, trong khi lực lượng bộ đội, y bác sĩ không nhiều nên mọi người rất tự giác. Vào đây mới thấm được nỗi vất vả và cảm nhận được tình thương, sự tận tụy của họ dành cho người dân.

Có những người tình nguyện tham gia cả 4 lần chống dịch COVID-19, xa gia đình, người thân mà chẳng hề kêu ca hay phàn nàn. Thời gian nghỉ ngơi cũng hạn chế, chỉ tranh thủ ngồi dưới bóng cây dăm ba phút là lại phải đứng lên, tiếp tục với công việc.

Phút nghỉ ngơi chốc lát dưới bóng cây của nhân viên y tế trong khu cách ly Trường Quân sự Bộ Tư Lệnh Thủ đô.

Ngoại trừ thời gian sáng, chiều ai cũng có việc riêng, thời gian còn lại, mọi người chia nhau dọn dẹp, vệ sinh chỗ ở và chia sẻ với nhau những câu chuyện về cuộc sống, gia đình.

Có cô nói: “May quá có đợt này được nghỉ ngơi. Mấy chục năm nay tần tảo dậy sớm, cơm nước cho chồng con, chăm cháu..”. Riêng tôi lại thấy thời gian này, dù vẫn làm việc online nhưng ít ra, tôi còn có thời gian nghỉ ngơi, chăm lo cho sức khỏe, có thêm thời gian suy nghĩ về những việc đã qua và cả những kế hoạch, dự định cho tương lai....

Cuộc sống đằng sau tấm biển “khu cách ly” chẳng hề đáng sợ hay nhàm chán như lo sợ của nhiều người. Nơi đây, mọi hoạt động diễn ra đều đầy ắp tình người và tinh thần đoàn kết, chung tay góp sức cho “cuộc chiến” chống dịch COVID-19 của cả đất nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn