MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cuộc sống thương hồ của người lao động nhập cư ở TPHCM những ngày nắng nóng

Minh Tâm - Như Quỳnh LDO | 24/04/2024 06:00

TPHCM - Lấy ghe làm nhà, nhiều năm nay, tuyến đường Trần Xuân Soạn dọc Kênh Tẻ (Quận 7, TPHCM) là nơi tập trung của hàng chục lao động nhập cư từ miền Tây lên sống và mưu sinh.

This browser does not support the video element.

Cuộc sống của người dân miền Tây nhập cư lênh đênh trên sông nước giữa lòng Sài Gòn. Clip: Như Quỳnh

Quanh năm sống trên sông nước, lấy những chiếc ghe bầu làm nơi trú ngụ, người Nam bộ quen gọi họ là “thương hồ”. Cơ cực vậy mà đời cha nối tiếp đời con cứ đeo mang. Phía trên bờ phố xá tấp nập, còn họ - những “thương hồ” lặng lẽ mưu sinh, đánh đổi mồ hôi để có chén cơm đạm bạc.

Hàng chục gia đình từ miền Tây lên TPHCM, lấy ghe làm nhà sống và mưu sinh dọc tuyến đường Trần Xuân Soạn, Quận 7. Ảnh: Minh Tâm

Giữa trưa nắng gắt, ông Phạm Phú Quý (Quận 7, TPHCM) tranh thủ vắng khách, đóng tủ mít và trở vào trong ghe xối vài gáo nước lạnh “giải nhiệt”. Gia đình ông Quý sống và mưu sinh trên chiếc ghe này hơn 20 năm qua.

Theo lời kể của ông Quý, tuyến đường Trần Xuân Soạn, dọc Kênh Tẻ này là nơi tập trung ghe thuyền của hàng chục gia đình từ miền Tây lên.

“Cuộc sống cực khổ, chúng tôi không đủ tiền lên bờ thuê nhà ở mỗi tháng. Gắn bó với chiếc ghe như nhà, tuy bất tiện nhưng vẫn đủ nuôi sống gia đình”, ông Quý nói.

Ông Phạm Phú Quý (gốc Long An) hơn 20 năm sống trên chiếc ghe dọc bờ kênh Tẻ, buôn bán trái cây trên đường Trần Xuân Soạn (Quận 7). Ảnh: Minh Tâm

Người đàn ông gốc Long An này cho biết, cuộc sống ở quê nhà khó khăn nên gia đình kéo nhau lên thành phố kiếm sống bằng nghề bán trái cây. Những tưởng dễ dàng, nhưng ông Quý không ngờ nơi chốn đô thị càng vất vả hơn nhiều, buộc ông và vợ con phải sống trên ghe để đỡ chi phí sinh hoạt.

Ông kể, cách đây khoảng 10 năm trước, cứ tầm 10 ngày, gia đình ông lại lênh đênh trên ghe từ TPHCM về quê thu mua trái cây, rồi ngược lên thành phố bán.

“Nhiều năm như vậy, tôi thấy không có lời mà càng tốn thêm chi phí nên dừng đi ghe mà vận chuyển hàng bằng xe máy. Chiếc ghe ấy giờ đậu cố định ở đây như nhà”, ông Quý chia sẻ.

Khi nhiều người lo lắng phải chi trả tiền điện cao vào những tháng nắng nóng do sử dụng nhiều điện, thì những thương hồ như ông Quý lại cảm thấy bớt đi một phần gánh nặng về chi phí điện.

Người dân trên ghe tận dụng ánh sáng mặt trời để phơi trái cây. Ảnh: Minh Tâm

Chiếc ghe có diện tích khoảng 12m2, chia làm ba ngăn, ngăn ngoài lỉnh kỉnh đồ dùng sinh hoạt và vài trái mít để bán, còn ngăn giữa là nơi ăn, ngủ của gia đình. Ông cho biết, mỗi ngày phải bỏ khoảng 30.000 đồng để mua nước ăn uống, tắm giặt và dùng bình ắc quy để làm nguồn điện sinh hoạt về đêm.

“Ở đây, chúng tôi không có điện, tận dụng năng lượng mặt trời để sạc đầy điện cho bình ắc quy, từ đó dùng nguồn điện để sạc pin điện thoại, thắp sáng, quạt mát… Nhờ vậy mà bớt đi một phần gánh nặng chi phí tiền điện vào mùa nắng nóng”, ông Quý cười nói.

Mọi sinh hoạt của gia đình ông Quý đều trên chiếc ghe này. Ảnh: Minh Tâm

Cuộc sống lênh đênh “thương hồ” khiến bà Trần Thị Bích Hồng (50 tuổi, quê Bến Tre) chưa dám nghĩ tới một ngày sẽ lên bờ mua nhà để ở. Bà Hồng ửng đỏ đôi mắt tâm sự: “Nhìn nhà người ta có nhà cửa đàng hoàng ở trên bờ mình thấy ham lắm, nhưng biết làm sao, cuộc sống quanh năm làm thuê, được vài triệu chỉ đủ chi tiêu, nào dám mơ chuyện có nhà”.

Vì không đủ tiền thuê nhà trên bờ nên gia đình này đành chọn ghe làm nhà. Ảnh: Minh Tâm
Ngoài thời gian làm phục vụ ở quán hủ tiếu, bà Hồng còn nhặt thêm ve chai để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Minh Tâm

Bà Hồng cho biết, chiếc ghe đang ở được mua từ người em trai khoảng 20 triệu đồng, trả được 10 triệu và phần còn lại nợ tới giờ cũng 4 năm rồi.

“Dạo này, trời nắng nóng, gia đình tôi quạt gió cũng không có. Lúc nào có gió thổi qua thì mát mẻ, thế thôi”, bà Hồng nói.

Bà Hồng nghẹn ngào khi nghĩ đến cuộc sống lênh đênh trên sông nước không biết bao giờ dừng. Ảnh: Minh Tâm

Một mình sống trên chiếc ghe, quanh năm, bà Hồng tắm nhờ nhà dân trên bờ, nước sinh hoạt cũng dùng hạn chế để đỡ phần chi phí.

“Nhiều lúc nghĩ cũng buồn, không biết bao giờ thoát cảnh lênh đênh sông nước”, bà Hồng phân trần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn