MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tăng giá vé qua trạm thu phí Hòa Lạc - Hòa Bình và Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình. Ảnh: Đinh Đại

Cước vận tải biến động ra sao khi 2 trạm thu phí cửa ngõ Hoà Bình tăng giá

Đinh Đại LDO | 12/01/2024 13:07

Nhiều lái xe, chủ các hãng vận tải lớn đều bất ngờ trước việc tăng giá tại 2 trạm thu phí cửa ngõ vào Hòa Bình.

Từ ngày 10.1.2024, giá vé ở 2 trạm thu phí tại dự án đầu tư xây dựng đường Hoà Lạc - Hoà Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6, đoạn Xuân Mai - Hoà Bình theo hình thức BOT đồng loạt tăng.

Mức giá chung đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có trọng tải dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng 41.000 đồng/lượt; 1.230.000 đồng vé tháng; 3.321.000 đồng vé quý.

Áp dụng với vùng lân cận trạm thu phí là 12.000 đồng/lượt; 360.000 đồng vé tháng; 972.000 đồng vé quý.

Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn: 59.000 đồng/lượt; 1.770.000 đồng vé tháng; 4.779.000 đồng vé quý.

Áp dụng cho vùng lân cận trạm thu phí là: 17.000 đồng/lượt; 510.000 vé tháng; 1.377.000 đồng vé quý.

Xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có trọng tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn: 87.000 đồng/lượt; 2.610.000 đồng vé tháng; 7.047.000 đồng vé quý.

Áp dụng cho vùng lân cận trạm thu phí: 26.000 đồng/lượt; 780.000 đồng vé tháng; 2.106.000 vé quý.

Ngày 12.1.2024, ghi nhận của PV Báo Lao Động tại BOT đường Hòa Lạc - Hòa Bình diễn ra nhộn nhịp với hàng trăm lượt phương tiện lưu thông qua đây mỗi ngày. Khi được hỏi hầu hết lái xe, chủ các hãng xe khách lớn ở Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên đều bất ngờ trước việc tăng giá thu phí.

Mỗi ngày có hàng nghìn lượt phương tiện qua lại giữa Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc. Ảnh: Đinh Đại

Trao đổi với PV, ông Trịnh Quang Hùng - Giám đốc Hợp tác xã vận tải Sông Đà (tuyến Hà Nội - Lương Sơn - Hòa Bình) cho hay, đơn vị rất bất ngờ với việc điều chỉnh giá vé qua các trạm thu phí trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

“Hợp tác xã sẽ chưa tăng giá vé đi xe của hành khách. Nếu tăng sẽ cần phải xem xét kỹ càng và giải trình với các bên. Khi giá vé BOT quá cao, chúng tôi sẽ có ý kiến với Sở Giao thông Vận tải và Sở Tài chính để tìm phương án thích hợp”, ông Hùng nói

Theo ông Hùng, hiện nay nhiều tuyến đường bị xuống cấp, các xe đi qua đây thường xuyên bị hỏng, phải sửa chữa. Vì vậy, việc tăng giá là chưa hợp lý do chất lượng của các tuyến đường chưa tương xứng với chi phí doanh nghiệp phải chi trả.

Giá BOT tăng nhưng để tăng giá cước vận tải cũng cần phải nghiên cứu kỹ. Ảnh: Đinh Đại

Còn ông Nguyễn Lương Sơn - Giám đốc Công ty Cổ phần xe khách Sơn La (tuyến Sơn La - Hà Nội) cho biết, việc tăng giá vé có ảnh hưởng đến hoạt động của công ty nhưng cũng không biến động quá lớn.

“Đặc biệt là trong dịp lễ Tết sắp tới, các ban, ngành từ trung ương tới địa phương đã có công văn về vấn đề bình ổn giá. Do vậy, giá cước vận chuyển hàng hóa cùng với giá vé của khách đi xe vẫn được giữ nguyên”, ông Sơn thông tin.

Ngoài việc phải chịu phí BOT, doanh nghiệp vận tải còn phải gánh thêm các khoản phí khi giá xăng dầu tăng và bảo trì, bảo dưỡng phương tiện.

Ông Lê Dũng - chủ nhà xe Lê Dũng (tuyến Hà Nội - Điện Biên) cho biết - hiện nay, giá vé qua trạm thu phí tại Hòa Bình đã có sự điều chỉnh, tăng trung bình khoảng 18 % so với trước đây.

Việc tăng giá vé qua các trạm BOT sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều tới việc vận hành các đầu xe của công ty. Còn doanh nghiệp thì chưa thể tăng giá vé vì cần nhiều thủ tục và thời gian.

“Đối với việc doanh nghiệp có từ 7-10 chiếc xe thường xuyên chạy qua các trạm BOT ở Hòa Bình, mỗi xe chịu thêm phí BOT cùng với giá xăng dầu, sửa chữa tăng cũng cấu thành chi phí vận hành của 1 xe là vô cùng lớn.

Nhưng hơn 10 năm nay, giá vé của nhà xe chúng tôi vẫn giữ ở mức 550 nghìn đồng/vé. Nếu có tăng cũng không đáng kể”, ông Dũng cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn