MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cước vận tải rục rịch đi xuống sau nhiều lần xăng dầu giảm giá. Ảnh: LĐ

Cước vận tải rục rịch hạ nhiệt

Đặng Tiến LDO | 24/08/2022 07:09

Sau một thời gian liên tục tăng cao, trong khoảng hơn một tháng vừa qua, với sự điều chỉnh của các cơ quan quản lý Nhà nước, giá xăng dầu trong nước đã liên tục giảm mạnh. Đây là cơ sở để các DN vận tải khách rục rịch giảm giá cước.

Taxi giảm từ 6 đến 12% giá cước

Trong 6 lần điều chỉnh gần nhất, giá xăng dầu hiện đã giảm tới hơn 20% so với cách đây hơn một tháng.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp vận tải cần điều chỉnh giảm giá vé cho phù hợp với giá nhiên liệu trên thị trường.

Theo đại diện Công ty Cổ phần quản lý bến xe Hà Nội, hiện đơn vị mới nhận được thông báo của Công ty Hoàng Hà chạy tuyến Hà Nội - Thái Bình giảm giá từ 120.000đ xuống còn 100.000đ/lượt khách và Công ty TNHH Đoàn Xuân có xe chạy 3 tuyến: Hà Nội-An Lão, Tiên Lãng giảm từ 130.000đ xuống còn 120.000đ/vé; tuyến Hà Nội-Quý Cao giảm từ 90.000đ xuống còn 80.000đ/vé và tuyến Hà Nội-Hải Dương cũng giảm giá từ 80.000đ xuống 70.000đ/vé.

Ngoài ra, chưa thấy các DN vận tải khách có slot ở bến xin giảm giá.

Giám đốc Bến xe Mỹ Đình - ông Lý Trường Sơn - cho rằng, có một số DN xin tăng giá cước vận tải từ tháng 4.2022, với mức tăng chưa đến 10%, còn lại hầu hết đều giữ nguyên giá từ 1-2 năm nay. Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, hiện các DN vận tải khách mới phục hồi được trên 70% số slot.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, khách ít khiến nhiều xe phải bỏ bến, nên xăng giảm giá nhưng họ cũng chưa tính đến việc giảm giá cước. Và nếu DN vận tải nào, đặc biệt là xe hợp đồng, xe vận chuyển hàng hóa trước đây khi giá xăng tăng đã tăng giá cước thì đợt này giá xăng giảm cũng cần điều chỉnh lại giá cước cho phù hợp.

Theo đại diện Phòng Vận tải (Sở GTVT Hà Nội), hiện đã có 10 đơn vị taxi trên địa bàn thông báo xin giảm giá cước với mức giảm từ 500-1.000đ/km.

Tại thời điểm xăng tăng trên 30.000 đồng/lít, giá cước đã tăng khoảng 1.000-1.500 đồng.

Như vậy, khi được cơ quan chức năng hoàn tất thủ tục phê duyệt kê khai giá cước, một số hãng taxi sẽ giảm giá cước từ 6% đến 12%.

Xử lý nghiêm việc tăng giá bất hợp lý

Trước diễn biến mới của giá xăng dầu trên thị trường, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị các Sở GTVT chủ động tham mưu cho UBND cấp tỉnh tăng cường công tác tổ chức kiểm tra, rà soát kê khai giá, niêm yết giá của đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn để đánh giá việc điều chỉnh giá dịch vụ vận tải đường bộ phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng, dầu trong yếu tố hình thành giá. Trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời. Xử lý nghiêm theo thẩm quyền các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý. 

Đồng thời yêu cầu công khai, minh bạch thông tin giá, nhất là với nguyên, nhiên, vật liệu hàng hóa thiết yếu là đầu vào cho sản xuất; giá cước vận tải, hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát, tránh các tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả thị trường, đời sống người dân. 

Theo ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - trong các chi phí đầu vào, các doanh nghiệp dự báo giá nhiên liệu trên thị trường trung bình trong thời gian 3 hay 6 tháng. Doanh nghiệp không căn cứ vào giá xăng dầu trong kỳ điều hành 10 ngày để điều chỉnh giá cước.

Cũng theo ông Quyền, thông thường hợp đồng giá cước được ký theo lô hàng và được vận chuyển trong thời gian dài. Vận tải khách thì phải đăng ký giá cước với cơ quan quản lý, phải cài đặt lại đồng hồ, phải in vé nên doanh nghiệp không thể điều chỉnh giá cước theo chu kỳ này.

Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội - ông Nguyễn Công Hùng - cho biết, mỗi lần điều chỉnh giá cước, các hãng taxi tốn khoảng 150.000 đồng/xe cho các chi phí như kiểm định lại đồng hồ và trang bị bộ dán giá cước mới.

Chi phí lớn và mỗi lần đề xuất tăng/giảm giá cước mất nhiều thời gian, nhân lực để thực hiện nên trước khi triển khai các doanh nghiệp cần phải có lộ trình, kế hoạch cụ thể, hay nói cách khác là phải có độ trễ sau các đợt giảm giá xăng dầu.

Việc giá xăng dầu giảm mạnh trong thời gian gần đây là tín hiệu tốt cho nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp. Với doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng dầu như vận tải thì đây là cơ hội để hồi phục và phát triển sau cơn bão giá. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi giá xăng dầu tăng giá thì doanh nghiệp tăng giá cước nhưng khi giá xăng dầu giảm hơn 20%, doanh nghiệp lại chần chừ chưa giảm giá cước là điều khó chấp nhận.

Dù doanh nghiệp vận tải được định giá cước theo thị trường, nhưng các cơ quan chức năng vẫn phải giám sát để đảm bảo công bằng cho người tiêu dùng.

Đại diện Sở GTVT TP.Hà Nội cho biết, đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp vận tải kê khai và giảm giá cước khi giá xăng đã giảm sâu, tỉ lệ giảm lên đến hơn 20% so với cách đây hơn một tháng. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn