MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vaccine phòng dịch tả lợn Châu Phi của Navetco sẽ được cấp phép lưu hành từ 3.6.2022. Ảnh: NV

Cuối năm nay, Việt Nam sẽ có thêm 2 loại vaccine dịch tả lợn Châu Phi

Vũ Long LDO | 01/06/2022 20:18

Ngoài vaccine phòng dịch tả lợn Châu Phi NAVET-ASFVAC của Navetco được cấp phép lưu hành từ 3.6.20022, 2 loại vaccine khác của AVAC và Dabaco sẽ được cấp phép vào cuối năm 2022.

1 trong 3 loại vaccine phòng dịch tả Châu Phi chuẩn bị được cấp phép lưu hành

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) sau khi chỉ đạo 3 doanh nghiệp gồm Công ty Navetco, Công ty AVAC và Công ty Dabaco nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng dịch tả lợn Châu Phi, đến nay, Công ty Navetco đã sản xuất thành công vaccine ngừa dịch bệnh này.

Trao đổi với PV, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Đến nay, sau khi giao cho 3 đơn vị nghiên cứu, sản xuất, 1 doanh nghiệp là Công ty Navetco đã sản xuất thành công vaccine phòng chống dịch bệnh này. 

Vaccine phòng dịch tả lợn Châu Phi có tên là NAVET-ASFVAC, do Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco nghiên cứu, sản xuất. Dự kiến, ngày 3.6.2022, Bộ NNPTNT sẽ tổ chức lễ công bố và cấp phép lưu  hành cho loại vaccine này. 

Dự kiến đến cuối năm 2022 sẽ cấp phép lưu hành thêm 2 loại vaccine khác của Dabaco và AVAC khác để phục vụ công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo vệ đàn lợn nuôi trong nước.

Theo lộ trình được Bộ NNPTNT đề ra, từ ngày 3.6.2022, sau lễ công bố cấp phép thương mại vaccine này, Cục Thú y sẽ tổ chức giám sát chất lượng vaccine NAVET-ASFVAC (đối với chỉ tiêu vô trùng, an toàn và hiệu lực) của 10 lô sản xuất liên tiếp. Đồng thời, tổ chức giám sát việc sử dụng NAVET-ASFVAC theo 2 giai đoạn.

Sẽ cho phép lưu hành thêm 2 loại vaccine vào cuối năm nay

Chia sẻ về quá trình  nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng dịch tả lợn Châu Phi của 2 đơn vị còn lại và AVAC và Dabaco, ông Nguyễn Văn Long –Quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT), nhấn mạnh:

Từ năm 2020, Công ty AVAC nghiên cứu, sản xuất thành công tế bào dòng DMAC. Tháng 1.2021, sau khi tiếp nhận chủng giống ASFV-G-∆MGF, Công ty AVAC đã tổ chức nghiên cứu, sản xuất và đánh giá chất lượng của 3 lô vaccine. Kết quả, vaccine dịch tả lợn Châu Phi chủng ASF-G-∆MGF đạt tiêu chuẩn về vô trùng, an toàn và hiệu lực (bảo hộ 80-100% số lợn thí nghiệm; độ dài miễn dịch đạt 4 tháng đối với lợn thịt từ 4 tuần tuổi trở lên).

Đối với Công ty Dabaco, tháng 9.2021, doanh nghiệp này đã tiếp nhận giống virus dịch tả lợn Châu Phi nhược độc chủng ∆I177L/∆LVR và tế bào dòng PIPEC từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.

Đến nay, Dabaco đã nghiên cứu, sản xuất thành công vaccine DACOVAC-ASF2 nhược độc, đông khô và đã thử nghiệm vaccine trên đàn lợn của chính doanh nghiệp, kết quả đạt tiêu chuẩn an toàn và hiệu lực (bảo hộ trên 80% đàn lợn thí nghiệm).

Về kiểm nghiệm, từ tháng 3.2022 đến nay, vaccine thương mại đông khô DACOVAC-ASF2 của Dabaco đang được kiểm nghiệm.

Từ tháng 10.2021, 3 lô vaccine của Công ty AVAC được kiểm nghiệm theo quy định với kết quả đạt các chỉ tiêu vô trùng, an toàn và hiệu lực.

Về khảo nghiệm, tháng 2.2022 đã triển khai khảo nghiệm tại 2 địa điểm (trại lợn Thành Hưng, tại tỉnh Vĩnh Phúc; và trại lợn Đức Vượng, tại tỉnh Bắc Giang, kết quả khảo nghiệm đạt yêu cầu vô trùng, an toàn và hiệu lực bảo hộ 100% số lợn được tiêm vaccine.

Đánh giá sử dụng vaccine ở diện hẹp, tháng 3.2022, Bộ NNPTNT chỉ đạo đánh giá sử dụng vaccine ở diện hẹp tại 4 trại có quy mô từ 800 – 16.000 lợn thịt tại TP.Hà Nội (2 trại) và Bắc Giang (2 trại). Kết quả trên 90% lợn tiêm vaccine có kháng thể, tỉ lệ bảo hộ đạt 95%.

“Việc sản xuất thành công vaccine cũng có ý nghĩa rất quan trọng với ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam. Khi có vaccine sẽ giúp hàng triệu hộ nông dân yên tâm chăn nuôi. Chưa kể, các doanh nghiệp đang có xu hướng đầu tư lớn vào ngành chăn nuôi lợn, khi có vaccine dịch tả lợn châu Phi chúng ta sẽ có công cụ để đàm phán tiến tới xuất khẩu thịt lợn trong thời gian tới”.

(Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn