MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lễ cúng voi được tổ chức với mong muốn voi có nhiều sức khỏe để chung sống với người.

Cuối năm, người Tây Nguyên cúng voi cầu bình an

H.Long LDO | 15/02/2018 09:14
Voi trong tâm thức người đồng bào Tây Nguyên là con vật linh thiêng, gắn liền với đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào bao đời này. Chính vì xem voi như  thành viên trong gia đình nên hằng năm, chủ voi thường tổ chức cúng voi, cầu mong voi thêm sức khỏe để chung sống chan  hòa với con người.

Trong những câu chuyện bên ché rượu cần ngày xuân,  những nài voi người M’Nông, Ê Đê… tại Đắk Lắk kể rằng, từ xa xưa, những gia đình nào trong buôn làng Tây Nguyên sở hữu voi hiển nhiên nhận được niềm vinh dự lớn lao và có tiếng nói quan trọng trong các buổi lễ, họp buôn làng.

Lễ vật cúng voi thường được chọn là huyết heo, gạo, muối, nải chuối rừng...

Tập tục cúng voi của người dân tại huyện huyện Lắk, Buôn Đôn – những địa phương có đàn voi nhà lớn nhất tỉnh, được tổ chức từ bao giờ không ai rõ tường nhưng theo ông  Y Mứ Bkrông - nài voi có tiếng tại vùng hồ Lắk - lễ cúng voi dù xưa kia hay hôm nay đều chung ước muốn cầu voi nhiều sức khỏe, sinh sản thuận lợi và mong bà con thêm trân trọng, bảo vệ voi nhà.

“Thông qua lễ cúng voi, chúng tôi tin rằng những gia đình có voi sẽ chú trọng hơn trong việc chăm sóc và phát triển đàn voi nhà hơn nữa trong tương lai” – ông Cư Bứ chia sẻ.

Thầy cúng xát muối, huyết vào đầu voi, chúc voi năm tới thêm sức khỏe.

Lễ vật trong lễ cúng voi thường mang đậm bản sắc dân tộc như ché rượu cần, đầu heo, chuối, gạo, huyết, mía... Ngày cúng voi thường được tổ chức sau những ngày lễ lớn hoặc khi mùa màng của dân làng đã tươm tất.

Ngày nay, do sự giao thoa của văn hóa dưới xuôi nên lễ cúng voi thường được tổ chức vào dịp cuối năm hoặc ra tết để thuận lợi cho con cháu làm ăn ở xa về tham dự, chung vui.

Phần thưởng của voi sau lễ cúng là những bó mía, lá chuối rừng...

Tại buổi lễ cúng voi tại khu du lịch sinh thái buôn đôn tổ chức trong dịp cuối năm mà chúng tôi tham dự ghi nhận, từ sáng sớm, nài voi đưa đàn voi đến một khoảnh đất trống để chuẩn bị tiến hành lễ cúng quan trọng.

Khi dân làng cùng nài voi đã tề tựu đông đủ, thầy cúng tế trong trang phục truyền thống, đầu đội khăn nhung đỏ, đứng trên sàn cao, miệng khấn thầm mong thần linh phù hộ cho đàn voi nhà, cầu các nài voi luôn có sức khỏe tốt để chăm sóc, làm bạn bên voi...

Như bản năng, bài khấn của thầy cúng vừa dứt, voi nhà lần lượt quỳ chân xuống để thầy cúng xoa gạo, huyết heo lên đầu voi. Những con vật khổng lồ hằng ngày cứng đầu, nóng tính thế mà hôm nay ngoan ngoãn lạ kỳ trật tự để thầy cúng làm lễ.

Để thưởng cho voi trong một năm vất vả cùng con người, chủ voi lục tục vác bó mía, từng nải chuối rừng để voi ăn ngon lành.

Khi những nhân vật chính của buổi lễ - voi nhà, đã thực hiện xong các nghi thức chính, thầy cúng cùng nài voi, người dân trong làng quây quần bên ché rượu cần trò chuyện. Tại đây, họ cùng nhau nhắc nhớ những việc đã và chưa làm được trong năm qua để hướng tới một năm tốt đẹp hơn. Buổi gặp mặt cũng là dịp để các nài voi, thầy cúng giảng dạy con cháu thêm yêu và bảo vệ đàn voi nhà Đắk Lắk.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn