MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nam bệnh nhân ở Điện Biên nhiễm sán lá phổi do ăn gỏi cua sống. Ảnh: BVCC

Cuối ngày Tây Bắc: Ăn cua núi, nhiều người ho ra máu, nghi ngờ mắc lao phổi

PV TÂY BẮC BỘ LDO | 13/08/2023 18:59

Ăn cua núi, nhiều người ho ra máu, nghi ngờ mắc lao phổi; 2 tài xế xe khách trong vụ tai nạn ở Sa Pa không vi phạm nồng độ cồn; Cảnh báo xả lũ tại các hồ thuỷ điện là một số tin tức nổi bật khu vực Tây Bắc trong ngày 13.8.

Ăn cua núi, nhiều người ho ra máu, nghi ngờ mắc lao phổi

Thời gian gần đây, bệnh viện các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La… ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc sán lá phổi do ấu trùng cư trú ở cua đá núi.

Mới đây nhất, anh N.V.C (sinh năm 1982) được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang cấp cứu do ho ra máu máu. Tại đây, các nghi ngờ trong phổi có sán, chẩn đoán mắc lao phổi nên chuyển bệnh nhân xuống Hà Nội điều trị.

Khai thác tiền sử, từ cuối năm 2022, anh C đi suối bắt được cua nên đem về nướng ăn. Sau đó anh xuất hiện triệu chứng ho, khó thở ngày một nhiều.

Trước đó, các bác sĩ cũng tiếp nhận một nam bệnh nhân (31 tuổi, quê tại Điện Biên) vào cấp cứu vì tràn dịch, tràn khí màng phổi.

Cách đây 1 tháng, bệnh nhân đã ăn cua núi làm gỏi tại nhà bạn ở Lai Châu. Vài tuần sau, nam bệnh nhân có biểu hiện khó thở, ho, buồn nôn, mệt mỏi, sút cân. Bác sĩ phát hiện bệnh nhân có sán lá phổi.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân nghi ngờ mắc lao phổi do ăn cua núi. Ảnh: BVCC

Theo các bác sĩ, nguyên nhân của căn bệnh này chủ yếu do ấu trùng cư trú ở cua đá núi. Người dân ở miền núi hay có thói quen ăn gỏi hoặc nướng cua. Nếu ăn thực phẩm sống hoặc nướng ở nhiệt độ không đủ, ấu trùng sán sẽ xâm nhập vào cơ thể người.

Ngoài ra, ấu trùng sán lá phổi cũng có thể ở trong nguồn nước. Khi uống nước suối, người dân có thể đưa ấu trùng sán vào cơ thể. Khoảng 5-6 tuần ký sinh ở cơ thể người, ấu trùng phát triển thành sán lá phổi trưởng thành và đẻ trứng để thải ra môi trường bên ngoài.

Khi ăn vào cơ thể, ấu trùng vào ruột và theo đường tĩnh mạch lên phổi và ký sinh tại phổi gây tổn thương nhu mô và tràn dịch màng phổi. Người bệnh thường có triệu chứng ho nhiều, đau tức ngực đột ngột, ho ra cả đờm lẫn máu, sút cân và dẫn đến suy kiệt, thậm chí tử vong.

2 tài xế xe khách trong vụ tai nạn ở Sa Pa không vi phạm nồng độ cồn

Liên quan đến vụ tai nạn giữa xe giường nằm và xe khách 16 chỗ trên quốc lộ 4D, chiều 13.8, lãnh đạo thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã đến Bệnh viện Đa khoa Sa Pa để chỉ đạo công tác cứu chữa, thăm hỏi các nạn nhân.

Trong số 13 người bị thương có 2 hành khách bị thương nặng đang được các y bác sĩ tích cực cứu chữa. Qua xác minh bước đầu, hai phương tiện đều di chuyển với tốc độ vừa phải, 2 tài xế không có dấu hiệu sử dụng cồn, ma túy.

Hiện trường vụ tai nạn giữa xe giường nằm và xe 16 chỗ trên quốc lộ 4D, đoạn qua Sa Pa. Ảnh: NDCC

Trước đó, khoảng 10h15 cùng ngày, xe giường nằm điều khiển chạy hướng Lai Châu đi Sa Pa khi đến đoạn ngã ba đường tránh quốc lộ 4D với thị xã Sa Pa đã va chạm với xe 16 chỗ lưu thông hướng ngược lại.

Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn, chính quyền địa phương đã bố trí lực lượng vận động người dân mang phương tiện tại chỗ đưa người bị thương đi cấp cứu kịp thời và bảo vệ hiện trường cũng như tài sản trên 2 xe.

Cảnh báo xả lũ tại các hồ thuỷ điện

Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, theo báo cáo của các đơn vị, mực nước hồ chứa thủy điện khu vực miền núi Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai tăng cao. Đồng thời theo dự báo, mực nước sẽ tăng cao hơn khi bước vào mùa mưa lũ.

Hồ thủy điện Hòa Bình. Ảnh: Minh Chuyên

Do vậy EVN yêu cầu các đơn vị thủy điện tuân thủ quy định vận hành hồ chứa, liên hồ chứa; tham gia cắt, giảm, làm chậm lũ, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.

Cùng đó, triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an toàn công trình hồ đập, vùng hạ du hồ chứa, đặc biệt là các điểm xung yếu. Các đơn vị bố trí lực lượng chủ động xử lý kịp thời các tình huống mất an toàn có thể xảy ra, đặc biệt là tình huống xả lũ khẩn cấp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn