MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người dân tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, xếp hàng đi mua sắm các thiết bị thoát hiểm trên phố Trung Kính (Hà Nội). Ảnh: Hải Nguyễn

Cuối tuần, người dân đổ đi mua dụng cụ thoát hiểm sau vụ cháy chung cư mini

Hải Nguyễn - Lan Nhi LDO | 17/09/2023 06:30

Nhiều người sinh sống ở các căn hộ chung cư mini trên địa bàn TP Hà Nội đang tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần đi mua sắm các thiết bị thoát hiểm như thang dây, mặt nạ phòng độc, khiến mặt hàng này trở nên đắt khách.

Ghi nhận của PV Lao Động ngày 16.9.2023, sau vụ cháy chung cư mini khiến 56 người tử vong ở phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội), nhiều người dân sinh sống tại các căn hộ chung cư, chung cư mini đang đôn đáo tìm mua các mặt hàng đồ bảo hộ, thoát hiểm.

Thuê một căn hộ chung cư mini với giá 4,5 triệu đồng/tháng trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ, hiện tại chị đang thuê trọ ở căn hộ chung cư mini trên tầng 4.

Có giá thuê 4,5 triệu đồng nhưng căn hộ chung cư mini của chị Tuyết không được trang bị bình cứu hỏa. Nếu như cháy nổ xảy ra, không thoát hiểm được bằng thang bộ, thang máy thì chị Tuyết chỉ có thể thoát ra ngoài bằng thang dây thoát hiểm qua lối cửa sổ, ban công.

Chị Tuyết đặt mua bộ dụng cụ thang dây thoát hiểm, mặt nạ phòng độc đảm bảo an toàn cho bản thân. Ảnh: Nhân vật cung cấp

"Sau khi vụ cháy ở phố Khương Hạ xảy ra, tôi cũng đã đi mua bộ dụng cụ thang dây thoát hiểm, mặt nạ phòng độc để đảm bảo an toàn cho bản thân. Người bán cũng tư vấn, dụng cụ thang dây sẽ phù hợp với những tòa nhà chung cư mini có chiều cao từ 9 tầng trở xuống vì thang thường dài khoảng 25 - 30m. Những căn hộ chỉ có 5 tầng trở xuống như nơi tôi đang trọ thì có thể mua thang dây thoát hiểm khoảng 15m là được" - chị Tuyết nói.

Cũng đang thuê trọ trong một căn chung cư mini có giá 5 triệu đồng/tháng trên đường Thượng Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội), anh Nguyễn Văn Luân thông tin, từ khi vụ cháy xảy ra, các cư dân ở đây cũng nhắc nhở nhau cẩn thận dùng điện và nấu ăn trong phòng, đồng thời đặt mua các thiết bị phòng cháy chữa cháy.

Theo anh Luân, hiện chủ tòa nhà nơi anh đang sinh sống đã không nhận trông giữ xe đạp điện dưới tầng hầm. Hôm qua, họ cũng đã lắp đặt thiết bị báo cháy, bình chữa cháy từng tầng riêng biệt để người thuê nhà yên tâm sinh sống.

Nhiều chủ tòa nhà chung cư mini tại Hà Nội đã không nhận trông giữ xe đạp điện. Ảnh: Lan Nhi

Trao đổi với PV Lao Động sáng 16.9, anh Khởi - Giám đốc kinh doanh của Công ty Nikawa Việt Nam, doanh nghiệp cung cấp dụng cụ thoát hiểm cho biết, sau vụ cháy khiến 56 người tử vong xảy ra ở phố Khương Hạ, rất nhiều khách hàng đã liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp để đặt hàng, ước lượng có khoảng hơn 1.000 đơn hàng/ngày, trong khi những ngày bình thường chỉ có khoảng 20 - 30 khách hàng nhờ tư vấn, hỏi mua.

Do lượng khách tăng đột biến nên doanh nghiệp cũng đã huy động nhân viên tăng ca. Ngoài thang dây, các mặt hàng như thang nhôm, thang cứu hộ, thang trượt 15 - 20m, bộ dây thoát hiểm tự động dài tối đa 100m (tương đương với khoảng 30 tầng) là mặt hàng bán chạy.

Lượng đơn đặt hàng đồ bảo hộ, thoát hiểm tăng đột biến tại một cửa hàng trên phố Trung Kính (Hà Nội). Ảnh: Hải Nguyễn

Theo rà soát của Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN Hanoi), toàn TP Hà Nội có khoảng 2.000 chung cư mini, trong đó tập trung nhiều nhất ở quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ...

Sau thảm họa cháy chung cư mini làm 56 người chết tại quận Thanh Xuân, UBND TP Hà Nội đã quyết định tổng kiểm tra phòng cháy, chữa cháy tại tất cả các chung cư mini, nhà trọ trên toàn thành phố trong 45 ngày, thời gian bắt đầu thực hiện từ 15.9 đến trước ngày 30.10.2023.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn