MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Diện tích đất nông nghiệp đang trồng xoài (vị trí khoanh màu đỏ) trong Khu TĐC Đồng Bạc sẽ bị cưỡng chế. Ảnh: Tô Công

Cương quyết cưỡng chế 2 hộ dân để xây khu công nghiệp lớn nhất tỉnh Phú Thọ

Tô Công LDO | 19/10/2023 15:00

Phú Thọ - Cơ quan chức năng sẽ thực hiện cưỡng chế thu hồi đất để giải phóng mặt bằng Khu tái định cư Đồng Bạc (thị trấn Cẩm Khê) của dự án xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Cẩm Khê.

Tại cuộc họp báo sáng 19.10, UBND huyện Cẩm Khê đã thông tin về việc sẽ thực hiện cưỡng chế thu hồi đất để giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án "Xây dựng hạ tầng khu tái định cư Đồng Bạc, thị trấn Cẩm Khê" (TĐC), phục vụ dự án "Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Cẩm Khê" (KCN).

Khu tái định cư Đồng Bạc, TT Cẩm Khê. Ảnh: Tô Công

Ông Nguyễn Hữu Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê, Trưởng ban Cưỡng chế thực hiện thu hồi đất cho biết, đến nay, đã có 14 trong tổng số 16 hộ gia đình tự nguyện chấp hành nhận tiền đền bù đất đai, hoa màu gắn liền với đất để GPMB thực hiện dự án nêu trên .

Còn 2 hộ không nhận tiền bồi thường và bàn giao đất, mặc dù đã nhiều lần được tuyên truyền vận động, đối thoại thuyết phục là hộ bà Hoàng Thị H và hộ bà Hoàng Thị N (cùng ở khu Tiền Phong, TT Cẩm Khê) với tổng diện tích là 530m2. Theo kế hoạch, việc cưỡng chế thu hồi đất sẽ bắt đầu từ 7h ngày 20.10.

Trước đó, ngày 29.9, UBND huyện Cẩm Khê đã có Quyết định số 2297 và 2304 về việc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất với 2 hộ gia đình này.

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Tô Công

"Để thực hiện dự án, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng của huyện và thị trấn Cẩm Khê thực hiện đầy đủ quy trình các bước về thu hồi đất, tích cực tuyên truyền vận động các hộ dân kiểm đếm, nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng.

Tuy nhiên, đối với 2 hộ dân không chấp hành, UBND huyện sẽ thực hiện cưỡng chế thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi cưỡng chế, huyện sẽ huy động tối đa nguồn lực, phương tiện máy móc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án" - ông Chí khẳng định.

Vị trí đất nông nghiệp đang trồng xoài (trong khoanh màu đỏ) sẽ bị cưỡng chế vào 7h sáng ngày 20.10. Ảnh: Tô Công

Trước đó, ngày 3.10, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu, trong thời gian tới, huyện Cẩm Khê phải xác định GPMB KCN là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Với tinh thần tạo điều kiện tối đa cho người dân, nhưng cũng cần cương quyết xử lý đối với những hộ dân cố tình không chấp hành.

Huyện Cẩm Khê cần hoàn thiện dứt điểm hạ tầng các khu TĐC đã hoàn thành GPMB để di chuyển các hộ dân đến định cư, ổn định đời sống trước ngày 31.12. Riêng đối với khu TĐC Đồng Bạc, cần sớm hoàn thành việc GPMB, bàn giao cho chủ đầu tư xây dựng hạ tầng xong trong tháng 10.2023.

Với diện tích 450ha, KCN Cẩm Khê là 1 trong 2 KCN lớn nhất tại tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Tô Công.

Theo tìm hiểu của PV, KCN Cẩm Khê được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam từ năm 2008. Đến ngày 13.5.2016, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Quyết định số 1092 về việc thành lập KCN này, với quy mô 450ha thuộc địa bàn các xã Thanh Nga, Sơn Nga, Sai Nga (nay là thị trấn Cẩm Khê) và xã Xương Thịnh, KCN Cẩm Khê là 1 trong 2 KCN lớn nhất tại tỉnh Phú Thọ.

Trong tổng diện tích 450ha, đến nay đã ban hành thông báo thu hồi đất là 407,1ha; diện tích đã được phê duyệt phương án bồi thường là 326,1ha; diện tích đã GPMB là 317,6ha; diện tích đã được chuyển đổi mục đích và giao đất là 139,5ha. Giá trị đền bù chi trả được 427,3 tỉ đồng; giá trị đầu tư hạ tầng khoảng 1.200 tỉ đồng. Tại KCN, hiện đã có 25 dự án đi vào đầu tư, xây dựng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn