MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngành giao thông vận tải. Ảnh: GT

Cương quyết với nhà thầu yếu kém, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công

Minh Hạnh LDO | 27/05/2022 14:22

Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm, khối lượng giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) còn hơn 35.000 tỉ đồng, bình quân giải ngân 5.000 tỉ đồng/tháng. Để đáp ứng yêu cầu, Bộ trưởng Bộ GTVT - ông Nguyễn Văn Thể - vừa có chỉ đạo các Ban Quản lý dự án cần phải lưu ý tiến độ, giải ngân và phải đặt chất lượng xây dựng cơ bản lên hàng đầu. 

Theo đại diện Bộ GTVT, dự kiến trong tháng 5.2022, Bộ này sẽ giải ngân khoảng 3.880 tỉ đồng. Lũy kế hết tháng 5.2022 đạt 15.080 tỉ đồng, đạt 34,9% kế hoạch đã giao chi tiết và đạt 29,8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Dựa trên cơ sở kế hoạch vốn được giao, đến nay Bộ GTVT đã giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 cho các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án qua 4 đợt với tổng số 45.343 tỉ đồng, đạt 90,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Đối với các dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025, hiện đã có 48/64 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, còn lại 16 dự án.

Đến nay, 14/48 dự án đã được phê duyệt, còn lại 34 dự án dự kiến phê duyệt trước ngày 30.6.2022.

Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, hiện sản lượng thi công đạt 39,2% giá trị hợp đồng. Một số dự án còn chậm tiến độ so với kế hoạch như Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và Diễn Châu - Bãi Vọt.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hiện các Ban Quản lý dự án có kết quả giải ngân tốt trong tháng trước tiếp tục phát huy được hiệu quả giải ngân trong tháng 5.2022, điển hình là Ban Quản lý dự án Thăng Long với khối lượng giải ngân gần 3.100 tỉ đồng, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (45,1%); Ban Quản lý dự án Đường thủy giải ngân 352 tỉ đồng (35,5%), vượt 33 tỉ đồng.

Kết quả này đã góp phần đưa kết quả giải ngân bình quân chung của ngành giao thông vận tải cao hơn bình quân chung cả nước (khoảng 5%).

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành GTVT cũng bày tỏ sự không hài lòng khi một số đơn vị vẫn chưa đảm bảo giải ngân theo kế hoạch như Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận chậm 380 tỉ đồng; Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp chỉ giải ngân được 7/422 tỉ đồng (1,8%); Sở GTVT tỉnh Tuyên Quang chỉ giải ngân được 2,4/206 tỉ đồng (1,2%).

Về giải pháp tăng hiệu quả giải ngân, Bộ GTVT yêu cầu trong bối cảnh bão giá vật liệu, nhà thầu khó khăn về kinh phí, các Ban Quản lý dự án cần có sự linh hoạt trong thanh toán, nghiệm thu.

Từ nay đến cuối năm, khối lượng giải ngân của Bộ còn hơn 35.000 tỉ đồng, bình quân giải ngân 5.000 tỉ đồng/tháng. Để đáp ứng yêu cầu, các Ban Quản lý dự án/chủ đầu tư cần tập trung xác định nhu cầu giải ngân ở dự án nào, chủ đầu tư nào.

Tổng hợp lại kế hoạch giải ngân từng tháng, từng dự án, không để tập trung vào cuối năm, bước vào mùa mưa, việc giải ngân sẽ rất khó khăn.

Liên quan đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, Bộ GTVT yêu cầu các Ban Quản lý dự án cần phải lưu ý, tiến độ và giải ngân đã tốt, song chất lượng và thủ tục xây dựng cơ bản là hàng đầu.

Theo đó, cần phải tuân thủ chặt chẽ công tác giải ngân, nghiệm thu và cắt chuyển khối lượng theo quy trình nào đều đã được quy định.

Việc cắt chuyển khối lượng, cương quyết với nhà thầu yếu kém, giải cứu tiến độ các gói thầu là cần thiết, song cũng phải tuân thủ đúng theo hợp đồng, hết sức quan tâm thủ tục, giao cho nhà thầu khác cũng phải theo quy định về năng lực.

Riêng đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đặc biệt lưu ý đối với 4 dự án phải hoàn thành trong năm 2022 gồm Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn