MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các địa phương chủ động sử dụng phương châm 4 tại chỗ giúp đỡ người dân, hạn chế thiệt hại do sạt lở gây ra. Ảnh: Hoàng Lộc

Đã khắc phục, gia cố 42/74 đoạn sạt lở ở Trà Ôn

HOÀNG LỘC LDO | 25/06/2023 06:58

Trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện Trà Ôn là địa phương có số vụ sạt lở nhiều nhất tỉnh Vĩnh Long với 74 vụ lớn, nhỏ. Hiện tại, địa phương này đang khẩn trương khắc phục, gia cố các điểm sạt lở để ổn định đời sống nhân dân.

74 vụ sạt lở, thiệt hại hơn 3,8 tỉ đồng

Ngày 24.6, bà Đặng Thị Bé Sáu - Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long - thông tin, huyện có vị trí tiếp giáp với tuyến bờ bao Sông Hậu, Trả Ngoa, Sông Măng Thít, kênh xáng, Tân Dinh... Từ đầu năm đến nay, hiện tượng sạt lở bờ sông, đê bao xảy ra ngày càng nhiều, xu hướng càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân trong khu vực.

Theo thông tin từ UBND huyện Trà Ôn, trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn huyện đã xảy ra sạt lở 74 đoạn bờ sông, đê bao, với chiều dài hơn 4.000m, ước tổng thiệt hại 3,8 tỉ đồng, gây ảnh hưởng 12 hộ dân phải di dời nhà ở, tài sản về nơi an toàn.

Huyện Trà Ôn là địa phương xảy ra hiện tượng sạt lở ngày càng nhiều, xu hướng càng nghiêm trọng. Ảnh: Hoàng Lộc

Trong đó, có 1 đoạn bờ sông và 1 đoạn đê bao sạt lở đã được UBND tỉnh công bố tình huống khẩn cấp sạt lở thuộc địa bàn xã Lục Sĩ Thành và xã Tích Thiện.

Theo bà Bé Sáu, nguyên nhân sạt lở được đánh giá ban đầu do lòng sông sâu, do dòng chảy, dưới tác động của sóng và mật độ giao thông thủy lớn làm cho mái bờ bị xói mòn nghiêm trọng. Bên cạnh đó, kết hợp với tải trọng dọc theo bờ sông nặng, khi mực nước sông xuống thấp làm cho mái bờ sông mất ổn định, dễ gây sạt lở.

Khẩn trương khắc phục

Bà Bé Sáu thông tin thêm, ngay từ lúc mới có dấu hiệu sạt lở, lãnh đạo các địa phương trong huyện đã sử dụng phương châm 4 tại chỗ để thực hiện di dời tài sản, người dân đến nơi ở an toàn, hạn chế thiệt hại do sạt lở gây ra.

Lãnh đạo các địa phương đã chủ động di dời tài sản, người dân đến nơi an toàn, giảm bớt thiệt hại do sạt lở. Ảnh: Hoàng Lộc

Ông Văn Hiền - 1 trong 9 hộ dân bị ảnh hưởng vụ sạt lở dài hơn 80m ở ấp Tích Lộc, xã Tích Thiện ngày 11.6 - cho biết: “Ngay khi có dấu hiệu nứt nhà, địa phương đã huy động lực lượng di dời tài sản gia đình tôi rất nhanh, đến nơi an toàn và lắp rào chắn, cử lực lượng túc trực 24/24”.

Bà Phạm Thị Vân - một hộ cận nghèo đã từng bị sạt lở vào năm 2019 - được hỗ trợ một phần kinh phí cất nhà mới, nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì lại bị sạt lở, chia sẻ: “Ngoài việc hỗ trợ di dời tài sản của gia đình tôi đến Trường THCS Tích Thiện, lãnh đạo xã còn hỗ trợ tiền, mì gói, gạo giúp tôi và bà con ở đây giảm bớt khó khăn”.

Thông tin từ UBND huyện Trà Ông cho biết, đến nay, các địa phương đã khắc phục được 42 đoạn đê bao trong tổng số 74 vụ sạt lở trên địa bàn. Vẫn còn 32 đoạn đê bao sạt lở với tổng chiều dài 2.952m đang tiếp tục thực hiện gia cố khắc phục để sớm đưa người dân trở lại sinh sống ổn định.

"UBND huyện cũng đang hoàn chỉnh hồ sơ trình Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại theo quy định. Bên cạnh đó, tiếp tục vận động xã hội hóa, kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ cho các hộ bị sạt lở" - bà Bé Sáu cho biết thêm.

Ông Lưu Nhuận - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long - khuyến cáo người dân khi thấy các hiện tượng khác thường như xuất hiện tình trạng sụp, lún, nứt đất và lòng sông xuất hiện nhiều bọt nước... nên nhanh chóng báo chính quyền địa phương cũng như chủ động di dời tài sản đến nơi an toàn. Người dân nên hạn chế trồng các loại cây ăn trái, xây dựng nhà ở tại các mé sông khi chưa được cho phép nó sẽ làm tăng trọng tải lớp đất ở đây. Nên nuôi, thả lục bình cặp mé sông vừa tạo thêm thu nhập vừa tạo phù sa bồi lắng góp phần bảo vệ bờ sông, tránh tình trạng sạt lở xảy ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn