MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân lát đá vỉa hè trên phố Thi Sách (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: V.Đ

Đá lát vỉa hè vỡ hỏng sau 2 năm sử dụng: Giải pháp nào để đảm bảo độ bền?

Phạm Đông - Đức Văn LDO | 23/11/2020 18:21
Theo những người có chuyên môn, muốn đá lát vỉa hè có độ bền 70 năm thì cần phải đồng bộ từ việc thi công, nghiệm thu công trình, ý thức sử dụng của người dân và sự ổn định của các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật bên dưới.

Cần đẩy mạnh vai trò giám sát cộng đồng khi thi công, nghiệm thu và quản lý vỉa hè

Mặc dù được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên có độ bền lên tới 70 năm, tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên, chỉ sau 1-2 năm sử dụng, nhiều đoạn đã xuống cấp, vết nứt vỡ, có chỗ các viên đá lát bung ra khiến vỉa hè lồi lõm, lởm chởm. Điều này đã khiến dư luận hoài nghi về tính thực tế, sự lãng phí của việc lát đá vỉa hè.

Dưới góc độ chuyên môn, ông Đỗ Dũng - cán bộ Ban Quản lý dự án 30A Lý Thường Kiệt (Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư tài chính Toàn Cầu) cho rằng, muốn giữ được độ bền cho vỉa hè, cần phải đồng bộ từ việc thi công đến ý thức của cộng đồng.

“Trước tiên, để có được sự chắc chắn thì lớp nền phải phẳng và đủ độ dày, đúng mác bêtông theo tiêu chuẩn. Không những vậy, mỗi một vị trí cũng cần có một loại bêtông thích ứng với từng điều kiện cụ thể thì mới giữ được độ bền khi lát đá. Nền bêtông muốn chắc thì phải đầm đất thật kỹ và bêtông phải đủ chất lượng.

Nếu phần lớp nền không bằng phẳng thì đá lát vỉa hè trong quá trình sử dụng sẽ nhận phải lực bẻ chứ không phải là lực nén đều. Điều này khiến đá lát vỉa hè rất dễ gây gãy, sụt lún và vỡ nát. Cùng với đó, việc các nguyên vật liệu chưa đủ thời gian đông kết mà đã được đưa vào sử dụng cũng là nguyên nhân gây hư hỏng” - ông Đỗ Dũng phân tích.

Nói thêm về nguyên nhân khiến vỉa hè nhanh xuất hiện những “ổ voi, ổ gà” chỉ sau vài năm sử dụng, ông Đỗ Dũng cho rằng, vỉa hè là nơi dành cho người đi bộ nhưng xe máy, ôtô trong giờ cao điểm vẫn thường xuyên di chuyển lên vỉa hè để cố gắng thoát khỏi vùng tắc. Đây cũng là nguyên nhân lớn khiến đá xảy ra nứt vỡ, bởi đá vỉa hè phải chịu một trọng tải lớn so với thiết kế trong thời gian liên tục.

Nói về giải pháp cho vấn đề này, ông Dũng cho rằng, muốn vỉa hè có độ bền cao thì cần nâng cao ý thức của người dân khi sử dụng vỉa hè. Người dân không nên để ôtô, xe máy di chuyển và dừng đỗ trên vỉa hè. Cùng với đó, trong quá trình thi công cần phải thi công đúng theo thiết kế. Đảm bảo sự đồng bộ, ổn định của các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật bên dưới. Đặc biệt, cần đẩy mạnh vai trò giám sát cộng đồng khi thi công, nghiệm thu và quản lý vỉa hè.

Thi công, lát đá vỉa hè tại Hà Nội thời điểm cuối năm. Ảnh: Phạm Đông

Giám đốc Sở Xây dựng giao cho Chi cục Giám định xây dựng cung cấp thông tin cho báo chí?

Bà Phạm Thị Kim Liên – Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Cầu Giấy cho biết, hiện tại, đa số vỉa hè trên địa bàn quận Cầu Giấy do đơn vị này làm chủ đầu tư đang sử dụng là gạch vân nhám giả đá và gạch block tự chèn.

Theo bà Liên, nguyên nhân khiến vỉa hè bị xuống cấp nghiêm trọng là do người dân đang sử dụng vỉa hè sai mục đích. Bởi theo bà Liên, vỉa hè là nơi dành cho người đi bộ nhưng nhiều ôtô, xe máy vẫn thường xuyên đi, đỗ tràn lan trên hè phố.

"Việc gạch đá phải chịu một khối lượng trọng tải lớn như vậy thì việc nứt vỡ là điều hoàn toàn dễ hiểu. Do đó, cần phải thay đổi tình trạng này mới mong vỉa hè đảm bảo độ bền như kỳ vọng” - bà Liên nhấn mạnh.

Về việc trên nhiều tuyến phố Hà Nội lát đá thương hiệu 70 năm đã vỡ hỏng, PV đã liên hệ làm việc với Sở Xây dựng Hà Nội - đơn vị quản lý, giám sát công tác lát đá vỉa hè để tìm hiểu nguyên nhân và biện pháp khắc phục. Đại diện Phòng Kế hoạch tổng hợp (Sở Xây dựng) cho biết, vấn đề này đã được Giám đốc Sở Xây dựng giao cho Chi cục Giám định xây dựng (trực thuộc Sở Xây dựng) xử lý và cung cấp thông tin cho báo chí.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn