MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thành phố Đà Lạt đang phát triển sản phẩm OCOP theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái. Ảnh: Mai Hương

Đà Lạt xây dựng kế hoạch phát triển nhiều sản phẩm OCOP

Mai Hương LDO | 27/07/2024 14:05

Lâm Đồng - Thành phố Đà Lạt đã xây dựng kế hoạch đến năm 2025 sẽ có 70 sản phẩm OCOP. Trong đó, phấn đấu có 5 sản phẩm OCOP 5 sao.

Ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp

Thành phố Đà Lạt xác định sản phẩm OCOP sẽ góp phần khơi dậy tiềm năng, lợi thế của các loại đặc sản, thúc đẩy phát triển kinh tế. Thế nên chính quyền thành phố Đà Lạt đã xây dựng kế hoạch đến năm 2025 sẽ có 70 sản phẩm OCOP. Trong đó, phấn đấu 5 sản phẩm OCOP 5 sao.

Để đạt được kết quả đó, thành phố Đà Lạt ưu tiên đầu tư vùng sản xuất nguyên liệu dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa và tập quán sản xuất của người dân.

Ngoài ra, thành phố Đà Lạt cũng đưa ra định hướng phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng được cấp mã số vùng trồng. Việc phát triển sản phẩm OCOP theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái.

Cùng với đó, địa phương cũng hướng đến phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường.

Ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống. Thành phố Đà Lạt cũng tổ chức hỗ trợ trang thiết bị, máy móc và đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ các chủ thể trong việc thực hiện quy trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản để phát để bảo đảm chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đặc biệt, việc xây dựng tiêu chuẩn và thử nghiệm, phát triển sản phẩm OCOP xanh sẽ được thực hiện theo hướng kinh tế tuần hoàn gắn với thị trường xuất khẩu.

Thành phố Đà Lạt đã xây dựng kế hoạch đến năm 2025 sẽ có 70 sản phẩm OCOP. Ảnh: Việt Quỳnh

Xây dựng sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP

Ông Nguyễn Đức Cứ - Trưởng phòng Kinh tế thành phố Đà Lạt thông tin, hiện nay, địa phương đã và đang nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động cho các chủ thể OCOP.

Trong đó, chú trọng tập huấn cho chủ thể, đổi mới hình thức sản xuất và kỹ năng quản trị, sáng tạo về sản phẩm.

"Thành phố Đà Lạt cũng tập huấn cho các chủ thể OCOP về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm và thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm đẹp mắt. Bên cạnh đó, thành phố Đà Lạt cũng tập huấn kiến thức về sở hữu trí tuệ, khai thác thương hiệu cộng đồng" - ông Nguyễn Đức Cứ chia sẻ.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Cứ, để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường cho các sản phẩm OCOP, thành phố Đà Lạt còn chú trọng đến việc nâng cao chất lượng, mẫu mã và phát triển các sản phẩm mới.

Người bán hàng đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Việt Quỳnh

Trong đó, các địa phương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm tham gia OCOP về chứng nhận quản lý chất lượng ISO, HACCP...

Thành phố Đà Lạt cũng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ các chủ thể xây dựng sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, chứng nhận hữu cơ.

Thành phố Đà Lạt tiếp tục phối hợp với Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng tổ chức khảo sát, xây dựng các điểm trưng bày sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Đà Lạt.

Ông Nguyễn Đức Cứ cho hay: "Chúng tôi đang tiếp tục phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan, đơn vị để tổ chức cho các chủ thể tham gia diễn đàn sản phẩm OCOP, kết nối giao thương với các doanh nghiệp ngoài tỉnh.

Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn cho các chủ thể về phương án kinh doanh, đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử như: Vỏ sò, Shoppee, Lazada, Tiktok”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn