MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khám chữa bệnh tại Đà Nẵng. Ảnh: Thuỳ Trang

Đà Nẵng chi đến 300 triệu đồng/người để thu hút y bác sĩ giỏi

Thuỳ Trang LDO | 21/12/2022 10:21

HĐND thành phố Đà Nẵng vừa thông qua Nghị quyết xây dựng Chính sách thu hút bác sĩ cho các cơ sở y tế công lập giai đoạn 2023-2025 với mức chi từ 50 đến 200 lần mức lương cơ bản, tức là từ 70 đến gần 300 triệu đồng.

Hiệu quả từ những chính sách thu hút nhân tài

Nhắc đến chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tại Đà Nẵng, chị Nguyễn T.L - nhân viên y tế tại Bệnh viện Đà Nẵng - cho biết, đây không phải là lần đầu tiên Đà Nẵng chi khoản tiền lớn để hấp dẫn người tài về “đầu quân” cho thành phố.

Từ năm 2004, chị L là một trong 52 học sinh, sinh viên nhận được chính sách của thành phố trong Đề án 922.

“Tôi được chu cấp tiền sinh hoạt phí, hiểu đơn giản là được thành phố “nuôi” ăn học từ lớp 12 đến khi lên đại học, rồi học nội trú. Với khoảng thời gian 6 năm, đề án là động lực rất lớn bởi thời điểm đó, với gia đình đông anh chị em, nguồn hỗ trợ mỗi tháng đã giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình. Ngay khi ra trường, theo nguyện vọng của mình, tôi được nhận vào làm tại bệnh viện lớn của thành phố. Đây là điều không dễ dàng gì ở thời điểm cách đây hơn 10 năm” - chị L chia sẻ.

Bên cạnh Đề án 922, Đà Nẵng sau đó còn có đề án thu hút nhân tài theo diện nhận hỗ trợ một lần với mức chi hơn 500 triệu đồng với cử nhân bằng giỏi.

Chị L cho rằng: “Trong bất kỳ chính sách thu hút nhân tài cũng sẽ có người đi, người ở. Ví dụ như Đề án 922, có những sinh viên sau khi nhận học bổng đi nước ngoài đã được doanh nghiệp lớn giữ lại, họ sẵn sàng trả khoản bồi thường gấp 5 lần cho thành phố để giữ người giỏi. Tuy vậy, hiện nay những người thuộc diện thu hút nhân tài đang làm việc tại thành phố cũng không ít.

Có người đã đảm nhiệm vị trí cán bộ chủ chốt như phó giám đốc trung tâm y tế quận, lãnh đạo khoa hay trưởng các phòng ban thuộc các sở của thành phố. Chúng ta không thể kỳ vọng một đề án có thể giữ chân được tất cả vì việc đi hay ở còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và nguyện vọng của chính nhân lực đó”.

Nỗ lực của chính quyền, động viên ngành y tế

Theo Nghị quyết mới nhất vừa được HĐND Đà Nẵng thông qua, thành phố sẽ thu hút bác sĩ có trình độ tốt nghiệp đại học chính quy trở lên theo hình thức tiếp nhận hoặc tuyển dụng viên chức theo yêu cầu vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế.

Đây là số lượng người làm việc được giao tại Đề án được phê duyệt tại các vị trí khó thu hút, khó tuyển dụng của các đơn vị y tế công lập trực thuộc Sở Y tế qua nhiều năm. 

Nghị quyết quy định, người trong diện thu hút được hưởng chế độ thu hút 1 lần ngay sau khi về nhận công tác. Với bậc Tiến sĩ được nhận chế độ bằng 200 lần mức lương cơ sở; Bác sĩ chuyên khoa cấp 2 được nhận mức tiền bằng 180 lần mức lương cơ sở; Bác sĩ nội trú được nhận 150 lần mức lương cơ sở; Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa cấp 1 được nhận 120 lần mức lương cơ sở; Bác sĩ đa khoa loại giỏi được nhận 100 lần mức lương cơ sở; Bác sĩ đa khoa loại khá được nhận 80 lần mức lương cơ sở; Bác sĩ đa khoa diện trung bình - khá được nhận 50 lần mức lương cơ sở.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng sẽ hỗ trợ cho toàn bộ cán bộ nhân viên y tế đang làm việc tại các cơ sở công lập trên địa bàn thành phố và cả cán bộ nghỉ hưu từ ngày 1.1.2020 đến 31.12.2022, từ 7 đến 10 triệu đồng/người.

Thông tin trên khiến nhiều người bất ngờ, đặc biệt là trong thời điểm hiện nay, khi nhân viên y tế cả nước nói chung đang chịu nhiều áp lực từ các vụ việc liên quan đến sai phạm trong ngành y tế, thiếu trang thiết bị.

Ông Lê Đức Nhân - Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng - chia sẻ: “Để đánh giá được một nghị quyết thu hút nhân tài có hiệu quả hay không cần có thời gian. Tuy nhiên, việc thành phố đưa ra những mức chi hỗ trợ để thu hút nhân tài và cả cho nhân viên y tế đang làm việc tại các cơ sở công lập hiện nay là nỗ lực rất lớn để động viên y bác sĩ. Bởi lẽ, với nhiều chuyên ngành như dinh dưỡng, tim mạch hay bác sĩ ở các trung tâm y tế quận huyện, để tuyển dụng được bác sĩ và giữ chân được họ là điều không dễ.

Ví dụ như một bác sĩ ngoại tim mạch, từ khi ra trường đến khi được đứng mổ phải mất 4 năm đào tạo. Nhưng, số ca mổ không phải lúc nào cũng có, cũng nhiều như các khoa ngoại khác. Vì vậy, thu nhập của họ sẽ không cao. Chính vì vậy, việc hỗ trợ một lần, số tiền dù là bao nhiêu thì cũng là sự khích lệ rất lớn để họ gắn bó với nghề, với cơ sở y tế công lập.

Còn với nhân viên y tế toàn thành phố, việc được chi hỗ trợ từ 7 đến 10 triệu đồng/người là nguồn động viên rất lớn sau những năm chống dịch bệnh vất vả. Tôi cho rằng, nghị quyết dành cho ngành y tế của thành phố thời điểm này rất đáng hoan nghênh”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn