MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đà Nẵng nới lỏng biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, một số trường hợp được hoạt động trở lại. Ảnh: Thanh Chung

Đà Nẵng cho phép nhiều trường hợp được hoạt động trở lại sau ngày 5.9

Thanh Chung LDO | 03/09/2021 19:21

Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng vừa ban hành quyết định tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ thị 05. Một số hoạt động trên địa bàn thành phố được phép hoạt động trở lại.

Theo văn bản của UBND TP.Đà Nẵng, từ 8h ngày 5.9, cho đến khi có thông báo mới, tiếp tục áp dụng các biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố theo tinh thần Chỉ thị số 05 của Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng theo từng cấp độ, nguy cơ rất cao (vùng đỏ), nguy cơ và nguy cơ cao (vùng vàng), nguy cơ thấp (vùng xanh).

Đối với vùng đỏ tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 như hiện nay, theo nguyên tắc "ai ở đâu ở yên đấy".

Đối với vùng vàng (bao gồm cả vùng/điểm xanh ở các khu dân cư tại các phường, xã vùng vàng): Áp dụng các biện pháp theo tinh thần Chỉ thị số 05 của Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng; tiếp tục yêu cầu người dân không được ra khỏi nhà. Những trường hợp được phép ra khỏi nhà khi tham gia các hoạt động với các điều kiện, biện pháp chung: Phải có Giấy đi đường QRCode kèm theo giấy tờ tùy thân. Thực hiện nghiêm quy định 5K; Đeo tấm che mặt trong suốt khi tham gia hoạt động giao tiếp trực tiếp. Thực hiện di chuyển theo nguyên tắc “1 cung đường - 2 điểm đi/đến và ngược lại”.

Các hoạt động được phép thực hiện với các điều kiện, biện pháp như sau: Hoạt động của các cửa hàng tạp hóa, quầy thuốc/nhà thuốc: Người dân được phép đến mua hàng trực tiếp tại các cửa hàng tạp hóa, quầy thuốc/nhà thuốc trong phạm vi cùng thôn/tổ dân phố.

Hoạt động của các công ty thương mại đầu mối; trung tâm thương mại; siêu thị; chuỗi cửa hàng tiện lợi: Không được bán hàng trực tiếp cho người dân; chỉ được bán hàng thông qua các tổ chức, cá nhân được phép hoạt động giao nhận, cung ứng hàng hóa cho người dân.

Hoạt động của các cửa hàng, công ty cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch; cơ sở dịch vụ khám, chữa bệnh...

Hoạt động của các cửa hàng, doanh nghiệp cấp gas, cấp điện, cấp nước, xăng dầu; bưu chính; viễn thông; phát hành báo chí; cảng hàng không; nhà ga đường sắt; trạm quản lý đường bộ: Bố trí tối đa 30% số người làm việc.

Hoạt động của ngân hàng được bố trí tối đa 40% số người làm việc. Hoạt động của dịch vụ bổ trợ tư pháp được bố trí tối đa 30% số người làm việc nhưng không quá 5 người.

Hoạt động của cảng biển được bố trí tối đa 50% số người làm việc; trường hợp đảm bảo thực hiện điều kiện “3 tại chỗ”, bố trí tối đa 70% số người làm việc.

Hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ bổ trợ doanh nghiệp được bố trí tối đa 30% số người làm việc.

Hoạt động của các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất: Trong khu công nghệ cao và các khu công nghiệp: Bố trí tối đa 50% số người làm việc; trường hợp đảm bảo điều kiện thực hiện “3 tại chỗ”, bố trí tối đa 70% số người làm việc. Ngoài khu công nghệ cao và các khu công nghiệp: Bố trí tối đa 30% số người làm việc; trường hợp đảm bảo điều kiện thực hiện “3 tại chỗ”, bố trí tối đa 50% số người làm việc.

Hoạt động vệ sinh môi trường; chăm sóc cây xanh đô thị; xử lý sự cố, bảo trì, duy tu, sữa chữa hệ thống: Điện, điện chiếu sáng...

Hoạt động của các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng và dịch vụ kỹ thuật, sửa chữa điện, nước dân sinh được bố trí tối đa 30% số người làm việc.

Hoạt động của những người giao nhận hàng hóa thuộc các đơn vị cung ứng hàng hóa và những người giao hàng công nghệ.

Hoạt động tác nghiệp báo chí. Hoạt động của cơ quan, công sở nhà nước được bố trí tối đa 30% số người làm việc.

Tiếp tục dừng việc tiếp công dân trực tiếp tại tổ một cửa Trung tâm hành chính thành phố và quận, huyện, phường, xã (nhưng vẫn bảo đảm giải quyết, xử lý công việc của công dân và doanh nghiệp); đẩy mạnh việc giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4.

Tiếp tục dừng các hoạt động hội họp chưa thật sự cấp thiết; trong trường hợp phải tổ chức các cuộc họp, sự kiện thì phải bảo đảm giãn cách 2m và tập trung không quá 20 người trong 1 phòng.

Hoạt động vận chuyển giao nhận hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu do Sở Giao thông vận tải hướng dẫn.

Hoạt động nông, lâm, ngư nghiệp: Hoạt động dịch vụ của hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp; thu hoạch nông, thủy sản; thủy lợi. 

Hoạt động công trình xây dựng. Các hoạt động khẩn cấp: Phòng, chống thiên tai; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ.

Hoạt động tang lễ và dịch vụ tang lễ: Không để đám tang quá 48 tiếng, không quá 20 người, chỉ được sử dụng phương tiện ô tô để đưa tang, trường hợp đoàn xe đưa tang ra khỏi thành phố phải có xác nhận của chính quyền địa phương (phường, xã).

Đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp dừng hoạt động trong thời gian thực hiện Quyết định này phải bố trí nhân viên trực đảm bảo an ninh, an toàn, phòng, chống cháy nổ; đồng thời được bố trí tối đa 3 người/đơn vị trong 1 ngày cụ thể/1 tuần để xử lý công việc cần thiết liên quan.

Các hoạt động quan trọng và cấp thiết khác do Chủ tịch UBND thành phố hoặc Chủ tịch UBND quận, huyện xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Đối với vùng xanh các hoạt động mà người dân được phép tham gia với các điều kiện, biện pháp như sau: Người dân được đi chợ truyền thống với tần suất 5 ngày/lần; mỗi hộ gia đình chỉ được 1 người đi chợ và phải có Giấy đi chợ QRCode hợp lệ theo quy định.

Người dân được tập thể dục đi bộ ngoài trời và tham gia các hình thức thể dục khác tại nơi công cộng trong phạm vi vùng xanh, khoảng thời gian từ 5h sáng đến 7h sáng.

Các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được nhận đặt hàng và bán hàng qua mạng; đảm bảo có dây giăng, vạch kẻ để phân luồng, giãn cách giữa những người mua hàng; giao hàng tận nơi cho khách hàng. Không được phục vụ khách tại chỗ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn