MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủy điện Đắk My 4 đã cắt tiệt nguồn cung của dòng Đắk My - dòng chính sông Vu Gia, gây thiếu nước sinh hoạt cho Đà Nẵng

Đà Nẵng: Chớm hạ đã đối mặt nguy cơ thiếu nước

Thanh Hải LDO | 26/04/2018 15:23
Các nhà máy thủy điện đầu nguồn hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn ngăn sông, dẫn nước phát điện, khiến vùng hạ du- trong đó có TP.Đà Nẵng phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng vào mùa khô.

Nếu không cấp bách xây dựng mới thêm các nhà máy nước, Đà Nẵng sẽ đối mặt với tình trạng thiếu nước đặc biệt nghiêm trọng. 

Nước sinh hoạt nhiễm mặn, thiếu hụt nguồn cung... vào suốt mùa hạ, nắng nóng là điệp khúc xảy ra thường niên tại Đà Nẵng. Các nhà máy thủy điện đầu nguồn sông Vu Gia là A Vương, Sông Bung 2, 3,4,5,6 và Đắk My4 đã chi phối quan trọng nguồn nước cấp cho hạ du. Trong đó, thủy điện Đắk My 4 đã cắt tiệt dòng Đắk My - nhánh chính của dòng Vu Gia để đổ về sông Thu Bồn, tận dụng độc chênh lệch cao, phát điện đã khiến cho tình trạng thâm hụt nguồn cung cho dòng Vu Gia trở nên trầm trọng.

Tình trạng tranh chấp nguồn nước xảy ra nhiều năm nay, dai dẳng đến Chính phủ cũng đã nhiều lần chỉ đạo. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, nhà máy Thủy điện Đắk My vẫn không mở rộng cống đáy, xả đủ lượng nước về dòng cũ Đắk My theo chỉ đạo của Chính phủ lẫn yêu cầu từ Đà Nẵng. Nhà máy cấp nước Cầu Đỏ ở hạ du, lấy nguồn nước trên dòng Vu Gia để cấp nước sinh hoạt cho Đà Nẵng gần như bị thâm hụt nghiêm trọng vào mùa khô.

Theo Cty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), hiện tổng công suất thiết kế của các nhà máy nước trên địa bàn thành phố chỉ 210.000m3/ngày, không đáp ứng với nhu cầu thực tế. Các nhà máy nước này dù đã hoạt động vượt tải với công suất 260.000m3/ngày. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống cấp nước của Dawaco không đáp ứng với nhu cầu.

Ngoài nguồn cung bị hạn chế như nêu trên, tình trạng phát triển nóng về du lịch cũng đã khiến cho việc cấp nước sinh hoạt của Đà Nẵng không phát triển kịp.

Theo ông Hồ Hương - Tổng GĐ Dawaco, dự báo năm 2018 đến năm 2020, mỗi năm Đà Nẵng thiếu trung bình 80.000-100.000m3/ngày. Vì vậy, việc xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên, Hòa Trung, nâng cấp nhà máy Cầu Đỏ, phát triển mạng lưới đường ống cấp nước để tăng khả năng cấp nước cho thành phố là cần thiết và cấp bách.

Ông Hương cũng cho biết, Cty CP Cấp nước Đà Nẵng cổ phần hóa từ ngày 11.2016. Sau một năm hoạt động theo mô hình mới, tình hình sản xuất kinh doanh tiếp tục tăng trưởng, các chỉ tiêu về sản lượng nước ghi thu, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt, tỉ lệ thất thoát đã giảm từ 16,7 xuống còn 14,7 triệu m3/năm, âm 2%.

Theo quy định của Chính phủ, Cty cấp nước thuộc danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020. Tuy nhiên hiện nay, tại Dawaco tỷ lệ vốn nhà nước vẫn chiếm giữ 60,08%.

Hiện Dawaco đã có kế hoạch tăng vốn điều lệ để có đủ nguồn lực, xúc tiến nhanh việc xây dựng mới các nhà máy cấp nước cũng như cải tạo, nâng cấp công suất các nhà máy cũ, nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng sử dụng nước sạch hiện nay tại Đà Nẵng.

Cũng theo ông Hồ Hương, nếu được tăng vốn thì Dawaco sẽ giảm phần vốn vay dẫn đến giảm giá thành nước, người dân sẽ được hưởng lợi vì không phải trả chi phí lãi vay. Phương án này đảm bảo quy định về tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ trong lĩnh vực cấp nước theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg nêu trên và bảo toàn vốn ngân sách thành phố đầu tư tại Dawaco.

Theo quy định hiện hành, UBND TP.Đà Nẵng là cơ quan phê duyệt phương án giá nước và ban hành biểu giá nước sinh hoạt trên địa bàn Đà Nẵng nên cũng không có sự ảnh hưởng nhiều đến an sinh xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn