MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Triệu người dân thành phố hỗ trợ hàng chục lượt lương thực thực phẩm vào các bệnh viện mỗi ngày. Ảnh: Vạn Tình

Đà Nẵng đang sát cánh, vượt qua đại dịch

Thuỳ Trang – Mai Hương LDO | 30/07/2020 07:40

Mọi câu chuyện thời sự, công việc ưu tiên của Đà Nẵng bây giờ là tập trung chống dịch, ngăn chặn COVID-19 lây lan trong cộng đồng. Người dân, chính quyền, nhân viên y tế đồng lòng chia sẻ khó khăn và động viên nhau từng giờ phút vượt qua dịch bệnh này.

Bác sĩ làm anh nuôi, chăm sóc nhau ở nhà “cách ly”

Tại Bệnh viện Đà Nẵng, với hơn 6.000 người đang bị cách ly, không kể công tác chuyên môn, việc phục vụ ăn uống, cơm nước 3 bữa cho từng đấy người là cả vấn đề. Chính vì vậy, trong khi các y bác sĩ ở các khoa đặc biệt như Y học nhiệt đới và Hồi sức tích cực - Chống độc - đang tích cực điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 thì Đoàn viên thanh niên bệnh viện bao gồm cả bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên các phòng ban trở thành những anh nuôi, chị nuôi.

Họ chịu trách nhiệm là đầu mối liên quan tiếp nhận hàng tiếp tế, hỗ trợ từ bên ngoài, vừa bao quát tình hình khoa nào có bao nhiêu người, cần bao nhiêu suất cơm để phân bổ lương thực, nước uống.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tịnh - khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đà Nẵng - cho hay, ban đầu Đoàn thanh niên đã chuẩn bị sẵn lực lượng làm hậu cần khi cách ly. Tuy nhiên do số lượng người cần hỗ trợ quá lớn nên các nhân viên y tế nếu không có công việc chuyên môn thì tập trung qua các đội hậu cần.

“Chúng tôi tiếp nhận đồ hỗ trợ của người dân, các mạnh thường quân vào rồi phân chia về các khoa phòng. Nhiều khoa bị cách ly, chúng tôi phải mang tận nơi. Những ngày qua người dân ủng hộ nhiều, anh em làm không nghỉ, điện thoại người nhà gọi có khi cũng không kịp nghe máy. Mình làm nhanh thì đồng nghiệp ở trong sẽ có cơm nóng để ăn, lấy sức chống dịch” - bác sĩ Tịnh cho hay.

Với tinh thần đó, dù cách ly, dù đang trở thành ổ dịch nhưng các y bác sĩ chẳng hề nao lòng hay có phút nghỉ ngơi. Họ tập trung vào công việc, vừa chăm bệnh nhân, vừa làm anh nuôi, chị nuôi đưa cơm nước.

Trên trang cá nhân của mình, bác sĩ Trần Lộc chia sẻ hình ảnh một nhóm đoàn thanh niên bệnh viện đang tranh thủ buổi tối, chuyển hết số nước người dân ủng hộ vào các phòng khoa. Những đôi tay bình thường quen với ống nghe, bút giấy, khám bệnh thì nay thoăn thoắt đưa hàng trăm thùng nước. Họ buộc phải mặc đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân mà theo bác sĩ Tịnh, “chỉ mặc 30 phút thôi đã không thở nổi”, vậy nhưng để tiết kiệm nguồn vật tư cho bệnh viện chống dịch lâu dài, họ đã phải mặc đồ bảo hộ như vậy 4 đến 5 giờ đồng hồ. Đến việc đi vệ sinh cũng phải “tranh thủ”, để tiết kiệm một bộ đồ bảo hộ.

Trao đổi nhanh trong ngày 29.7, dù với giọng mệt nhoài những bác sĩ Nguyễn Thành Trung - Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng - cho hay, những ngày qua lãnh đạo bệnh viện gần như không nghỉ một phút giây nào, lúc thì đi họp, lúc thì báo cáo, lúc thì động viên tinh thần mọi người.

“Ai cũng lo chứ, nhưng lo lắng chứ không lo sợ, chúng tôi làm việc không nghỉ để chống dịch” - bác sĩ Trung chia sẻ.

Thật ra, rất nhiều bữa cơm của y bác sĩ khi đến tay đều đã nguội, cơm nấu gấp có lúc nhão lúc khô và nhiều người không thể ăn được nhưng khi được hỏi, ai cũng cười nói, trả lời ngắn gọn “đủ ngày ba bữa, nước uống lương khô không thiếu, hôm qua đến nay chúng tôi còn nhận được sữa của người dân ủng hộ, xúc động lắm” - một bác sĩ chia sẻ.

Triệu người dân thành phố luôn bên cạnh

Trước tinh thần lạc quan của các y bác sĩ cũng như vì Đà Nẵng đang gồng mình chống dịch, rất nhiều người dân, doanh nghiệp, các CLB thiện nguyện, mạnh thường quân tại chính thành phố sông Hàn đã ngay lập tức có mặt, trở thành hậu phương vững chắc về cả vật chất và tinh thần.

Biết rằng chính quyền thành phố đã có kế hoạch chăm lo cho những người bị cách ly ở các bệnh viện, thế nhưng những thành viên của CLB Vạn Tình vẫn phát động chương trình tiếp sức tuyến đầu bằng những chai nước, thùng sữa, hộp cơm.

Sáng sớm ngày 19.7, anh Hồ Ngọc Thanh - chủ nhiệm CLB - đã chạy ra chợ sớm để mua 5 tạ cam cùng nguyên vật liệu để thực hiện nấu 700 suất cơm.

“Cam sẽ được đưa vào cho 3 bệnh viện, còn cơm chúng tôi chú trọng dinh dưỡng để chuyển vào Bệnh viện C Đà Nẵng. Ngoài ra, hôm qua chúng tôi đã gửi nước, sữa vào cho các y bác sĩ. Bây giờ, các bệnh viện cần gì là người dân đáp ứng ngay, không có kinh phí thì chúng tôi ứng tiền cá nhân trước, nhưng tinh thần của các doanh nghiệp, mạnh thường quân và các CLB hội nhóm tình nguyện rất cao, lực huy động từ chính người dân rất lớn” - anh Thanh cho hay.

Do khu cách ly nghiêm ngặt nên khi vận chuyển những hộp cơm vào bên trong, các thành viên trong CLB phải trang bị bảo hộ y tế an toàn. Dù thời tiết Đà Nẵng những ngày gần đây nắng nóng kéo dài nhưng không làm giảm đi tinh thần chung tay góp sức chống dịch của CLB Vạn Tình.

Chưa kể, ngay đến những nhu cầu sát sao với thực tế nhất như đồ dùng cá nhân của y bác sĩ trong lúc chống dịch cũng được các nhóm tình nguyện Đà Nẵng nắm rõ. Khệ nệ bê 2 thùng các-tông đến gác chắn trước Bệnh viện Đà Nẵng, chị Quế Chi nói như mếu: “Y bác sĩ nhắn cần đồ lót bằng giấy vì họ không có thời gian để giặt, mà lại phải thay quần áo nhiều lần trong ngày nhằm đảm bảo không nhiễm khuẩn. Tôi nghe mà xót xa nên liền kêu gọi mọi người ủng hộ kinh phí. Nay gửi 1.500 cái vào rồi, nếu họ còn báo cần thì tôi sẽ lại gửi vào”.

Chẳng phải chị Chi mà những người nghe được thông tin này vừa xót xa, cảm phục. Có lẽ, tại 3 bệnh viện đang bị cách ly ở Đà Nẵng, các y bác sĩ sẽ có lúc chịu cảnh cơm nguội, canh lạnh, ngủ gật trong bộ đồ bảo hộ nóng bức, nhưng vẫn luôn đầy ắp tình cảm của người dân thành phố.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn