MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người ăn xin, chèo kéo du khách, bán hàng rong gần như không có ở Đà Nẵng. Ảnh: Tường Minh

Đà Nẵng: Đưa vào cơ sở bảo trợ chăm sóc gần 1.500 người lang thang, cơ nhỡ

Tường Minh LDO | 09/02/2023 08:45

Từ năm 2015 đến nay, thành phố Đà Nẵng đã đưa gần 1.500 người lang thang, xin ăn vào cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc.

“Không bị làm phiền bởi nạn ăn xin”

Tròn 10 năm, anh Hoàng Thái Quốc Định, ngụ ở Bình Dương mới cùng gia đình quay lại thành phố Đà Nẵng để du lịch. Điểm đến đầu tiên của gia đình anh Định trong chuyến du xuân lần này là chùa Linh Ứng - một trong những điểm đến nổi tiếng của thành phố Đà Nẵng tại bán đảo Sơn Trà.

Chùa Linh Ứng và bán đảo Sơn Trà không thay đổi nhiều lắm so với cách đây 10 năm. Nhưng điều làm anh Định và gia đình bất ngờ nhất là ở khu vực chùa Linh Ứng thời điểm này gần như sạch bóng những người ăn xin cũng như bán hàng rong chèo kéo làm phiền du khách.

“Ấn tượng khó phai” - anh Định nhắc lại cảm xúc của mình khi lần đầu tiên cùng gia đình du lịch Đà Nẵng - đến chùa Linh Ứng vào năm 2013, vây quanh anh thời điểm đó là cả một đội quân gồm: Ăn xin, bán vé số, bán hàng rong... với đủ các chiêu trò để “móc túi” du khách.

“Thời điểm đó, ai cũng nói Đà Nẵng là thành phố đáng sống. Tuy nhiên những trải nghiệm của tôi về nạn ăn xin, chèo kéo khách ở chùa Linh Ứng, sau đó là Bảo tàng Chàm, rồi Ngũ Hành Sơn... đã khiến tôi có suy nghĩ ngược lại” - anh Định kể.

Bây giờ - tháng 2.2023, cũng là du lịch với gia đình, cũng là điểm đến Linh Ứng, nhưng anh Định đã có một cách nhìn hoàn toàn khác về thành phố Đà Nẵng. “Tôi không rõ thành phố làm cách gì và mạnh tay như thế nào để điểm đến Linh Ứng thời điểm này trong sạch đúng nghĩa và đáng đến, đáng để ở lâu hơn chút nữa.

Tôi đã đi du lịch nhiều nơi nên thấy rằng, ăn xin, chèo kéo khách du lịch là vấn nạn chung của không chỉ những thành phố du lịch ở Việt Nam. Tôi có thể khẳng định rằng, không có nhiều thành phố mà du khách không bị làm phiền bởi nạn ăn xin như Đà Nẵng thời điểm này” - anh Định nhận xét.

Tiếp tục chính sách không có người lang thang xin ăn

Nói Đà Nẵng sạch bóng ăn xin thì không hẳn. Nhưng hình ảnh những người ăn xin, chèo kéo du khách, thậm chí, cả bán hàng rong gần như xuất hiện rất ít ở thành phố này”.

Cách đây 8 năm - ngày 16.1.2015, khi thực hiện chương trình mục tiêu “Không có người lang thang xin ăn” trên địa bàn thành phố trong chương trình thành phố “5 không”, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành một chủ trương góp phần thay đổi bộ mặt thành phố là Quyết định số 02/2015/QĐ-UBND, quy định đưa người lang thang vào cơ sở bảo trợ xã hội.

Đây là một chủ trương không chỉ được người dân Đà Nẵng mà cả du khách trong và ngoài nước đánh giá rất cao khi đã tạo ra môi trường đô thị văn minh, hiện đại, dẹp bỏ được tình trạng người lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng gây cảnh nhếch nhác. 

Chính sách này còn cho thấy tính nhân văn của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng khi tạo điều kiện cho những người không nơi nương tựa, đau bệnh, hoàn cảnh khó khăn thực sự có được nơi chăm sóc, nuôi dưỡng.

Theo thống kê từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng, kể từ khi chính sách này được áp dụng từ năm 2015 đến nay, thành phố đã tập trung 1.492 lượt đối tượng. Trong đó có 419 lượt đối tượng lang thang không nơi cư trú, 365 lượt đối tượng xin ăn, 157 đối tượng xin ăn biến tướng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội. Cùng với đó, 551 lượt đối tượng tâm thần lang thang cũng được đưa đi điều trị tại bệnh viện tâm thần và chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng Người tâm thần thành phố. 

Mới đây, dư luận xôn xao về việc thành phố Đà Nẵng ra quyết định bãi bỏ Quyết định số 02 sau 8 năm triển khai. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đăng Hoàng - Giám đốc Sở LĐTBXH thành phố Đà Nẵng - thì thành phố không bãi bỏ Quyết định số 02 mà thay bằng một quyết định mới phù hợp hơn với luật hiện hành. Cụ thể là quy định mới của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Theo Quyết định số 2684/QĐ-UBND, đối tượng áp dụng Quy định này gồm: Người lang thang, xin ăn, người kết hợp công việc khác với việc xin ăn (xin ăn biến tướng); Người bị bệnh tâm thần lang thang trên đường phố. Đà Nẵng cũng duy trì chính sách thưởng nóng cho tập thể, cá nhân phát hiện theo dõi và thông báo cho lực lượng chức năng để xử lý người xin ăn, xin ăn biến tướng; người lợi dụng hoặc mang theo trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi để bán hàng rong, xin ăn. Mức thưởng nóng là 300.000 đồng cho mỗi trường hợp phát hiện, xử lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn