MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đà Nẵng ứng dụng công nghệ trong đời sống người dân. Ảnh: TT

Đà Nẵng học xây dựng thành phố thông minh từ các nước Tây, Bắc Âu

Thuỳ Trang LDO | 23/05/2022 10:39

UBND TP.Đà Nẵng vừa tổ chức hội thảo quốc tế “Đô thị thông minh: Kinh nghiệm của một số nước Tây, Bắc Âu và tầm nhìn Đà Nẵng”. Tại đây, các chuyên gia đã đưa ra nhiều khuyến nghị với những mô hình quản trị và xây dựng hạ tầng đô thị thông minh từ các nước như Áo, Anh… để Đà Nẵng học tập, ứng dụng.

Muốn “thông minh” phải giảm phương tiện cá nhân

Ông Hans-Peter Glancer - Đại sứ Cộng hoà Áo tại Việt Nam - chia sẻ, với mục tiêu thành phố thông minh là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thì vấn đề giao thông có tác động rất lớn. Bởi, ngày càng nhiều người dân đổ về các thành phố lớn để sinh sống, học tập tạo nên những thách thức về khí hậu tại đô thị đó, đồng thời khiến chất lượng cuộc sống người dân bị hạ thấp.

Để giải quyết vấn đề này, tại thành phố Vienna (Áo), chính quyền đã đưa ra các quyết sách như các khu dân cư được thiết kế đảm bảo sự kết hợp phù hợp giữa các chức năng từ ở, giáo dục đến việc làm, mua sắm và giải trí trong phạm vi di chuyển ngắn. Đặc biệt, cần thay đổi phương thức di chuyển thông qua hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân. Chính quyền thành phố Vienna đặt mục tiêu mức độ phát thải Co2 trên đầu người trong lĩnh vực giao thông giảm 50% năm 2030 và 100% vào năm 2050.

Việc chia sẻ phương tiện đi lại tại đây được thực hiện bởi các hình thức vận tải thân thiện bao gồm các phương tiện đi lại chung (công cộng) tăng lên 85% vào năm 2030 và 100% vào năm 2050. Đặc biệt, đến năm 2030, Vienna đặt mục tiêu quyền sở hữu phương tiện cá nhân giảm xuống 250 phương tiện/1.000 người.

“Phương tiện cá nhân chiếm một lượng lớn không gian công cộng vốn được coi là hạn chế ở đô thị đang phát triển. Giảm bớt số lượng xe cá nhân thì không gian này sẽ được sử dụng cho các mục đích sinh thái như trồng cây, phủ xanh. Tuy nhiên để làm được điều đó thì chính quyền thành phố phải cung cấp được mạng lưới giao thông công cộng toàn diện. Chúng tôi còn sử dụng thêm các công cụ số hoá để thúc đẩy phát triển sự liên kết và giao thông đa phương thức, tức là sự kết hợp thông minh của các phương tiện vận tải khác nhau” - ông Hans chia sẻ.

Hệ sinh thái thông minh và sự hợp tác

Tham gia trao đổi tại hội thảo, ông Đỗ Công Nguyên - Cố vấn Cơ sở hạ tầng Tổng Lãnh sự quán Vương quốc Anh tại TPHCM - cho biết, để xây dựng thành phố thông minh cần có một hệ sinh thái thông minh. Như ở Vương quốc Anh, họ xác định 4 trụ cột chính của hệ sinh thái này là nhà nước, chính quyền, khối tư nhân cung cấp công nghệ dịch vụ và các học viện, hiệp hội.

“Tại Việt Nam, chúng ta cũng đang dần hình thành hệ sinh thái thông minh tương ứng. Riêng với chính quyền Đà Nẵng, thời gian qua đã có những bước chuyển rất nhanh so với các địa phương khác. Về khối tư nhân, chúng ta cũng đang có những nhà cung cấp công nghệ lớn, các công ty bất động sản xây dựng các đô thị thông minh… Cả hệ thống chính trị Việt Nam đang vào cuộc để tạo sự chuyển đổi.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phát triển thêm những tiêu chuẩn về thành phố thông minh, có khung pháp lý rõ ràng để bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân, có chiến lược lâu dài nhưng phải rõ ràng, kế hoạch cụ thể; đảm bảo hạ tầng kỹ thuật số 5G, 4G…” - ông Nguyên gợi ý.

Cùng có ý kiến về vấn đề này, ông Phạm Sỹ Nguyên - Giám đốc Công ty Công nghệ Inova tại Đà Nẵng - cũng bày tỏ mong muốn tìm kiếm cơ hội cho công ty và doanh nghiệp công nghệ nhỏ và vừa tham gia với thành phố trong xây dựng thành phố thông minh.

“Chúng tôi được biết thành phố hợp tác với những tập đoàn công nghệ lớn, tuy nhiên ngay tại Đà Nẵng cũng có những doanh nghiệp công nghệ nhỏ và vừa. Chúng tôi cũng có những hội từ 2.000 đến 5.000 kỹ sư công nghệ chất lượng cao, đang làm việc với các khách hàng nước ngoài. Vậy thì, Đà Nẵng nên có kế hoạch cụ thể kết hợp với công ty và hội như vậy trong tương lai khi xây dựng thànhh phố thông minh ở các lĩnh vực” - ông Nguyên chia sẻ.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng - nhìn nhận: “Công nghệ không ngừng thay đổi, yêu cầu của người dân ngày càng cao hơn và cách tốt nhất là phải hợp tác để đáp ứng; hợp tác đó không chỉ là công nghệ mà còn là sự chia sẻ trải nghiệm của các mô hình, trao đổi kinh nghiệm tốt, thành công của các thành phố, doanh nghiệp. Hội thảo với nhiều ý kiến từ các chuyên gia, bài học từ các nước trên thế giới là cơ hội quan trọng để các cơ quan, tổ chức của thành phố tiếp cận, thảo luận với các đối tác, các chuyên gia trong và ngoài nước về mô hình, giải pháp, công nghệ, chính sách để áp dụng, triển khai các hệ thống ứng dụng thông minh tại Đà Nẵng thành công, hiệu quả, đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn