MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Du khách tại Đà Nẵng sẽ đi bộ thoải mái hơn khi thành phố kẻ và quy định lại việc sử dụng vỉa hè. Ảnh: Thùy Trang

Đà Nẵng kẻ lại vạch vỉa hè, nơi thuận tiện, nơi cần nghiên cứu thêm

THÙY TRANG LDO | 20/03/2024 10:40

Các quận huyện tại TP Đà Nẵng đang kẻ lại vạch vỉa hè sử dụng tạm thời và phần làm lối đi cho người đi bộ. Các địa phương vẫn phải vừa làm vừa nghiên cứu, bởi không phải vỉa hè nào cũng đủ rộng để chia cho cả người đi bộ lẫn người dân đang sống nhờ vào vỉa hè.

Người dân, du khách đi lại thông thoáng

Quý I/2024, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các địa phương phải hoàn thành kẻ vạch phần vỉa hè sử dụng tạm thời và phần làm lối đi cho người đi bộ. Với vỉa hè rộng dưới 4m, thành phố sẽ bố trí phạm vi sát nhà dân dành cho người đi bộ rộng 1,5m, phần còn lại sử dụng tạm thời làm nơi để xe máy và không bố trí phạm vi dành cho kinh doanh, buôn bán.

Đối với vỉa hè từ 4 đến 6m thì bố trí 2m sát bó vỉa sử dụng tạm thời làm nơi để xe máy, 2m tiếp theo dành cho người đi bộ, phần còn lại sát nhà dân dành cho kinh doanh, buôn bán…

Đà Nẵng kẻ lại vạch vỉa hè. Ảnh: Thùy Trang

Đối với bề rộng vỉa hè từ 6 đến 9m thì bố trí 2m sát bó vỉa sử dụng tạm thời làm nơi để xe máy, 3m tiếp theo dành cho người đi bộ, phần còn lại dành cho kinh doanh, buôn bán và để xe máy.

Việc này nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều người dân và cả chính quyền địa phương. Bởi thực tế những năm qua, du khách, người dân đang phải chen chân trên vỉa hè mỗi khi đi bộ.

Trên con đường Nguyễn Phan Vinh, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng có 2 trường học, 1 trường mầm non. Vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều rất đông người dân, học sinh đi lại. Tuy nhiên phần vỉa hè hai bên chỉ dưới 3m lại chật kín bàn ghế, xe máy của các hàng quán kinh doanh.

“Con tôi đi học mỗi ngày qua con đường này có đoạn cháu phải đi xuống lòng đường do người dân kê bàn ghế, tủ thực phẩm ở vỉa hè cả ngày. Nếu việc kẻ vạch này được thực hiện đúng thì phần nào đảm bảo an toàn cho các cháu đi bộ đi học gần nhà như con tôi” - chị Nguyễn Thị Hương, người dân sống khu vực này cho hay.

Còn với các quận trung tâm, nơi có những địa điểm du lịch đón hàng nghìn lượt du khách mỗi ngày, việc có được lối đi bộ theo phân định kẻ vạch mới cũng phần nào giải quyết được câu chuyện an toàn cho du khách và mỹ quan đô thị.

TP Đà Nẵng cũng yêu cầu không được phép lắp đặt các biển hiệu, pa nô, bảng quảng cáo di động trên vỉa hè, lòng đường (trừ các trụ bảng quảng cáo theo quy hoạch) để tạo sự thông thoáng cho vỉa hè.

Vừa làm, vừa vận động người dân

Ông Nguyễn Văn Duy - Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu, TP Đà Nẵng cho biết, địa phương đang chia thành 3 nhóm vỉa hè để làm theo thứ tự ưu tiên. Nhóm đầu tiên là vỉa hè trên 4m, ở khu vực có lượng người đi bộ, khách du lịch qua lại đông sẽ được kẻ và quản lý trước để đảm bảo cho việc đi lại thông suốt.

Nhóm thứ 2 là vỉa hè nhỏ hơn 4m, có lượng người buôn bán, sử dụng vỉa hè ngoài mục đích giao thông ít, chưa có xung đột nhiều và nhóm cuối cùng là vỉa hè nhỏ, người dân buôn bán đông, người đi bộ ít thì sẽ sắp xếp, vận động dần dần.

“Việc kẻ vạch, phân định lại phần vỉa hè dùng tạm thời để đảm bảo an ninh trật tự, mỹ quan đô thị là điều địa phương rất đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, việc này không thể làm vội được vì vẫn còn nhiều lao động khó khăn, lao động nghèo buôn bán, làm kinh tế dựa vào vỉa hè. Chúng tôi sẽ vừa làm theo thứ tự các nhóm ưu tiên trên, vừa vận động người dân.

Bên cạnh đó, địa phương cũng sẽ nghiên cứu để có ý kiến, bởi có những con đường hầu như không có người đi bộ mà lại dẹp hết hàng quán, không cho người dân kinh doanh thì sẽ phát sinh xung đột. Quan điểm của quận là không làm cào bằng và phải đảm bảo dung hòa được cả trật tự mỹ quan đô thị và sinh kế cho người lao động đang phụ thuộc vào vỉa hè” - ông Duy cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn