MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu không để dân vùng ngập lũ thiếu lương thực và nước sạch. Ảnh: Nguyên Đức

Đà Nẵng: Không có phương tiện phù hợp để tiếp cận các khu vực ngập sâu

Tường Minh LDO | 15/10/2022 18:37

Khó khăn lớn nhất trong công tác ứng cứu lũ lụt ở Đà Nẵng là các lực lượng không có phương tiện phù hợp để tiếp cận những khu vực ngập sâu.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh, từ ngày 13 đến ngày 14.10 trên địa bàn thành phố đã có mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 400-700mm, cao nhất tại Sơn Trà 775mm.

This browser does not support the video element.

Nhiều khu dân cư của Đà Nẵng đến thời điểm này vẫn còn ngập trong nước lũ. Clip: Nguyễn Anh Minh

Thời điểm mưa lớn nhất từ 19h đến 21h ngày 14.10. Mưa lớn đã gây ngập nặng nhiều tuyến đường, khu dân cư trên địa bàn thành phố, trong đó quận Liên Chiểu là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nhất.

Gần như toàn bộ địa bàn quận Liên Chiểu ngập sâu trong nước, chỗ ngập sâu nhất hơn 3m. Nhiều khu dân cư ngập sâu, nước chảy xiết gây khó khăn cho công tác tiếp cận ứng cứu.

Một số tuyến đường trên địa bàn quận Sơn Trà bị đất, đá, bùn trên bán đảo Sơn Trà tràn xuống, có tuyến đường bị sạt lở, nhiều tầng hầm khách sạn, nhà dân bị ngập nước. Quận Ngũ Hành Sơn có 3 khu vực bị sạt lở; Hoà Nhơn và Hoà Phong là hai xã bị ngập nặng nhất trên địa bàn huyện Hoà Vang.

Cống thoát nước đường Lê Văn Lương ra biển gần Miếu Đôi bị sụp 2 bên mố tạo thành hố sâu; 7,5ha rau màu vùng rau La Hường (quận Cẩm Lệ) bị hư hại; hồ Hố Dư (trường Quân chính) bị sạt lở; 206.225 khách hàng bị mất điện; 4 người tử vong do đuối nước.

Qua báo cáo của các địa phương cho thấy, khó khăn lớn nhất trong công tác ứng cứu là các lực lượng không có phương tiện phù hợp để tiếp cận những khu vực ngập sâu. Bên cạnh đó, việc mất thông tin liên lạc cũng gây nhiều khó khăn cho việc xác định vị trí nạn nhân để ứng cứu.

Tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình mưa lũ và triển khai các giải pháp khắc phục trận mưa lũ lịch sử ngày 15.10, ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - yêu cầu chính quyền địa phương các cấp phải đảm bảo lương thực, nước sạch cho người dân nơi bị ngập, nhất là những nơi còn đang ngập và dự báo tiếp tục bị ngập; tổ chức thăm hỏi các gia đình bị nạn.

Đồng thời, thống kê nhanh để có phương án hỗ trợ cho các địa phương bị thiệt hại cả về lương thực, thực phẩm và khắc phục hạ tầng.

Chính quyền địa phương phát mì gói hỗ trợ dân vùng ngập lụt ở trung tâm thành phố Đà Nẵng ngày 15.10. Ảnh: Nguyên Đức

Ông Nguyễn Văn Quảng đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng phân tích, đánh giá và rút ra bài học kinh nghiệm từ trận mưa lũ vừa qua, cả những mặt đã làm tốt cũng như những thiếu sót, bất cập, để từ đó đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian đến.

Cụ thể như công tác đánh giá, nhận định đúng tình hình trước các thông tin dự báo khí tượng thuỷ văn, tránh để xảy ra tình trạng bị động, bất ngờ; các phương án phòng, chống mưa lũ; công tác đảm bảo thông tin, liên lạc và tiếp nhận thông tin, yêu cầu hỗ trợ từ người dân; công tác huy động phương tiện, phương án ứng cứu và công tác phối hợp giữa các lực lượng, nhất là lực lượng cứu nạn, cứu hộ.

“Thực tiễn công tác ứng cứu trong trận mưa lũ vừa qua cho thấy, chúng ta hiện chưa có những phương tiện, phương án triển khai hoạt động cứu nạn, cứu hộ một cách hiệu quả nhất, phù hợp nhất với đặc thù mưa lũ, ngập lụt đô thị với những dòng chảy rất xiết và nguy hiểm.

Do vậy, cần tiến hành tổng rà soát, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm để xây dựng những phương án ứng phó phù hợp nhất cho tương lai” - ông Nguyễn Văn Quảng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn