MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đà Nẵng ra quân nhắc nhở, xử phạt các trường hợp vi phạm tiếng ồn. Ảnh: TT

Đà Nẵng kiểm tra, xử lý nghiêm ô nhiễm tiếng ồn

Thuỳ Trang LDO | 12/09/2022 07:41

Thực trạng ô nhiễm tiếng ồn từ các quán nhậu, karaoke cho đến "loa kẹo kéo" tại khu dân cư đang khiến người dân đinh tai nhức óc cả ngày lẫn đêm, thậm chí có những vụ việc đã dẫn đến mâu thuẫn, hành hung nhau cũng vì mở nhạc quá lớn. Để giải quyết vấn nạn này, Công an Đà Nẵng, từ đơn vị chuyên môn đến các quận huyện, xã phường đã ra quân xử lý...

Bỏ tiền thuê đơn vị đo tiếng ồn

Một trong những địa phương làm tốt công tác xử lý tiếng ồn tại TP.Đà Nẵng thời gian qua là UBND phường Nại Hiện Đông. 

Từ năm 2021, địa phương này đã thành lập tổ phản ứng nhanh kiểm tra, xử lý dứt điểm các trường hợp gây ô nhiễm tiếng ồn, lập lại trật tự ở khu dân cư. Lực lượng tham gia tổ phản ứng nhanh gồm có công an, quân sự, cán bộ UBND phường, đại diện khu dân cư… đi tuần tra hàng đêm vào 2 khung giờ chính.

Từ 21h30 đến 22h, tổ phản ứng sẽ đi nhắc nhở. Từ 22h trở đi, các trường hợp vi phạm sẽ bị lập biên bản, xử phạt, thu loa. 

Chủ tịch UBND phường Nại Hiện Đông, ông Cao Đình Hải cho biết: “Thời gian gần đây, tình trạng này lại tái diễn. Ngày 9.9, quận chủ trì một đợt ra quân với sự tham gia của các lực lượng, kiểm tra, xử lý mạnh với những trường hợp gây ô nhiễm tiếng ồn. Chính tôi xuống khu dân cư cũng không thể chịu nổi khi hết nhà này đến nhà khác mở loa, mở nhạc hát như thi đấu. Thời điểm này, học sinh đã trở lại trường, nếu tình trạng tiếng ồn như vậy thì các em khó lòng tập trung học tập. Ban lãnh đạo phường gồm Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch sẽ trực tiếp “cầm quân” đi kiểm tra, xử lý”.

Đặc biệt, lần ra quân này, phường Nại Hiên Đông cũng chủ động thuê đơn vị đo tiếng ồn thuộc Sở Tài nguyên Môi trường thành phố. 

Không chỉ có xử phạt

Ra quân kiểm tra gắt, tuy nhiên các địa phương xác định việc xử phạt chỉ là một trong những biện pháp xử lý tình trạng ô nhiễm tiếng ồn. 

Ông Hải cho biết thêm, trong đợt ra quân cao điểm này, UBND phường sẽ thường xuyên thông tin để người dân được biết. Tổ trưởng dân phố trên địa bàn phường sẽ được thông báo để người dân tự nhắc nhở nhau. Ai vi phạm, không chỉ bị thu loa, xử phạt mà còn bị “bêu tên” lên loa, trang website của phường.

Còn với các quán nhậu, nhà hàng thường xuyên mở nhạc gây ô nhiễm, Thượng tá Nguyễn Văn Tăng, Phó Giám đốc Công an Đà Nẵng cho biết, công an thường xuyên nhận được phản ánh của người dân về các cơ sở cứ liên tục tái phạm sau khi bị phạt. Một số cơ sở còn “bất chấp” vì nghĩ có tiền nên chấp nhận bị phạt và tái phạm.

“Trong khi đó, chuyện rút giấy phép hiện nay chưa có quy định. Đối với những đơn vị vi phạm nhiều lần như thế này, Công an Đà Nẵng sắp đến sẽ có kiến nghị, tham mưu với UBND TP.Đà Nẵng rút giấy phép kinh doanh, không cho hoạt động nữa, không để xảy ra tình trạng liên tục sai phạm” - ông Tăng cho biết.

Về trường hợp loa kẹo kéo, Công an Đà Nẵng cho biết rất khó xử lý. Người dân vui chơi, hát hò thì không ai cấm được nhưng đã có những vụ việc vì hát loa kẹo kéo rồi hàng xóm mâu thuẫn, hành hung gây chết người tại quận Cẩm Lệ.

“Sắp tới, Công an thành phố sẽ bàn với địa phương để có hướng xử lý, thẩm quyền sẽ giao cho địa phương. Trong đó, công an phường xã phối hợp với chính quyền địa phương xử lý vấn đề này. Đối với các đơn vị kinh doanh cho thuê loa kẹo kéo, chúng tôi cũng sẽ có phương án tuyên truyền, quy định về quy trình sử dụng loa như thế nào đó để không thể sử dụng tràn lan” - ông Tăng cho hay.

6 tháng đầu năm 2022, Công an TP.Đà Nẵng tiếp tục chủ động tổ chức kiểm tra, ra quyết định xử phạt hơn 30 trường hợp vi phạm về “tiếng ồn”, “không đảm bảo yên tĩnh chung”, với tổng số tiền gần 300 triệu đồng và nhắc nhở hàng nghìn trường hợp gây ồn ào trong khu dân cư, nơi công cộng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn