MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) trước bão số 4. Ảnh: Tường Minh

Đà Nẵng: Nghiên cứu phương án đảm bảo tàu thuyền vào tránh trú bão

Hoàng Văn Minh LDO | 03/10/2022 06:00

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đề xuất nghiên cứu các phương án bảo đảm tài sản tàu thuyền cho ngư dân khi vào trú tránh bão tại các khu vực neo đậu. Và có thể cho 1 ngư dân ở lại trực để bảo vệ tàu thuyền khi có bão, nhưng cần phải có các biện pháp quản lý, kết nối, liên lạc để theo dõi kịp thời, hỗ trợ, bảo đảm an toàn và sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra.

“Tôi lên bờ, tàu chìm ai chịu trách nhiệm?”

“Đề nghị các công dân trên tàu rời tàu để đảm bảo an toàn tính mạng. Nếu không chấp hành sẽ xử lý theo quy định pháp luật”.

Những dòng trong ngoặc kép, được phát ra từ một cái loa cầm tay của lực lượng Biên phòng thành phố Đà Nẵng lúc 22h đêm 27.9 tại âu thuyền Thọ Quang - thời điểm chỉ còn vài tiếng nữa là bão số 4 sẽ đi vào đất liền Đà Nẵng.

Lúc đó, tại âu thuyền Thọ Quang có gần 100 thuyền viên kiên quyết không lên bờ để ở lại cố thủ chống chọi với bão nhằm giữ tàu không bị lật, chìm. Và mặc dù có lệnh là bằng mọi giá phải đưa tất cả những thuyền viên này lên bờ trước khi bão vào, tuy nhiên do lúc đó sóng to gió lớn, không thể tiếp cận được tàu nên lực lượng chức năng chỉ biết đứng trên bờ phát loa kêu gọi trong bất lực, song song với việc chuẩn bị các phương án cứu hộ khi có tình huống xấu nhất xảy ra.

Cùng lên, trên bờ, tại Ban chỉ huy tiền phương ứng phó bão số 4 và 8 điểm cầu trực tiếp ở các địa phương cũng nóng ra với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4 tại điểm cầu Quảng Tri.

“Trước khi cuộc họp diễn ra, tôi đi kiểm tra ở Quảng Trị và phát hiện có khoảng 400 tàu neo đậu trong các âu thuyền vẫn còn sáng đèn, chứng tỏ trên đó vẫn còn người. Tôi yêu cầu các địa phương khẩn trương kiểm tra và bằng mọi giá đưa hết thuyền viên, ngư dân lên bờ tránh bão”.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết: Trước khi cuộc họp diễn ra, Đà Nẵng còn 34 thuyền viên của các tàu ngoài tỉnh đang neo đậu tại nơi trú bão Đồng Nò và khoảng 100 người ở âu thuyền Thọ Quang không chịu lên bờ với lý do lo sợ chìm tàu.

“Tôi đã trực tiếp xuống 2 tàu để thuyết phục nhưng họ không lên. Họ còn chất vấn lại tôi nếu tôi lên bờ, tàu chìm thì ai chịu trách nhiệm?”, ông Nguyễn Văn Quảng kể.

Chính quyền thành phố Đà Nẵng đã lập biên bản, tổ chức cưỡng chế 30 thuyền viên ở nơi trú bão Đồng Nò lên bờ. Còn lại khoảng 100 thuyền viên ở âu thuyền Thọ Quang, chính quyền địa phương đã đồng ý cho các thuyền viên ở lại bơm nước cạn tàu trước khi lên bờ.

“Tôi đã cho lập biên bản tất cả trước khi cưỡng chế. Đồng thời tuyên bố với các chủ tàu sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự nếu không cho thuyền viên lên bờ và để xảy ra tai nạn chết người khi bão vào”, ông Quảng nói.

Cần có cách tiếp cận khác với thuyền viên

Dù đã làm mọi cách thì cho đến sáng 28.9, khi bão số 4 đã vào bờ, ở âu thuyền Thọ Quang của thành phố Đà Nẵng vẫn còn 60 thuyền viên “cố thủ” ở trên các tàu. Rất may là những thuyền viên này vẫn an toàn khi bão đi qua. Thực tế bao nhiêu năm nay, mỗi khi bão đến, chính quyền các địa phương bằng mọi giá để đưa tất cả thuyền viên, ngư dân đang neo đậu trong các âu thuyền, khu tránh bão... lên bờ để bảo đảm an toàn tính mạng.

Tuy nhiên, cái lý của ngư dân và thuyền viên là họ phải ở lại tàu để tát nước, để nổ máy nhằm chống chọi với bão để cân bằng tàu thuyền, nếu không tàu sẽ bị lật, chìm. Và đây chính là lý do dẫn đến việc họ luôn “chống lệnh”, dù có cưỡng chế lên bờ vẫn tìm cách quay lại để bảo vệ tàu thuyền.

Ngay sau khi bão số 4 đi qua, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Phó Trưởng Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4, đã nêu ý kiến với Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp trực tuyến ngày 28.9, rằng, cần có cách tiếp cận khác đối với các thuyền viên trên các tàu neo đậu trong khu trú ẩn không chịu lên bờ tránh trú.

“Lâu nay, khi ngư dân, các thuyền viên đưa tàu thuyền về trú ẩn ở các khu neo đậu khi có bão thì bằng mọi giá, chúng ta phải đưa họ lên bờ để trú tránh nhưng chưa hiệu quả. Qua thực tiễn cùng các địa phương chỉ đạo, điều hành ứng phó bão số 4, tôi thấy chúng ta nên nghiên cứu để có một cách tiếp cận khác để quản lý được họ bằng cách kết nối thông tin, đường dây nóng... thay vì vận động, cưỡng chế, rồi họ lại trốn tránh, chống lệnh như lâu nay”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Tiếp ý kiến của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, trong báo cáo số 497-BC/BCSĐ ngày 29.9 gửi Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy về tình hình, công tác phòng, chống và khắc phục thiệt hại bão số 4 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cũng đã đề xuất “nghiên cứu các phương án bảo đảm tài sản tàu thuyền cho ngư dân khi vào trú tránh bão tại các khu vực neo đậu. Trong đó có thể cho 1 ngư dân ở lại trực để bảo vệ tàu thuyền khi có bão, nhưng cần phải có các biện pháp quản lý, kết nối, liên lạc để theo dõi kịp thời, hỗ trợ, bảo đảm an toàn và sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra”.

Tất nhiên đây mới chỉ là đề xuất căn cứ trên những bất cập từ thực tế của Bộ trưởng Bộ NNPTNT cũng như lãnh đạo các địa phương. Nhưng hy vọng, những lần mưa bão tới đây, chúng ta sẽ không còn thấy những “cái loa” kêu gọi bất lực như ở âu thuyền Thọ Quang đêm trước bão số 4...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn