MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngành thuỷ sản Đà Nẵng đối diện nhiều khó khăn, tỉ lệ đóng góp cho kinh tế giảm. Ảnh: Thuỳ Trang

Đà Nẵng phục hồi kinh tế nhanh nhưng chưa đồng đều

Thuỳ Trang LDO | 14/12/2022 11:10

Kinh tế Đà Nẵng đang phục hồi mạnh mẽ sau dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, sự phục hồi chưa đồng đều giữa các khu vực kinh tế. Du lịch dịch vụ vẫn đóng vai trò chủ đạo, trong khi ngành công nghiệp đang đối diện với nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế... Đó là thông tin từ  kỳ họp thứ 10, nhiệm kỳ 2021-2026 của Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.Đà Nẵng, khai mạc ngày 13.12.

Du lịch tăng, công nghiệp đối diện nhiều khó khăn

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐNĐ chỉ rõ, GRDP Đà Nẵng ước tăng 14,05% so với năm 2021 là một tín hiệu rất tích cực cho sự phục hồi của kinh tế thành phố. Tuy nhiên, sự phục hồi chưa có sự đồng đều giữa các khu vực kinh tế.

Khu vực dịch vụ đóng vai trò trụ đỡ chính cho tăng trưởng với mức tăng cả năm ước đạt 17.85%, đóng góp đến 13,31 điểm % trong tổng giá trị tăng thêm (VA). Trong khi đó, khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 6,39% chỉ đóng góp 1,49 điểm %.

Tỉ trọng khu vực dịch vụ tiếp tục mở rộng thêm 1,62 điểm % so với năm 2021, chiếm 68,39% trong tổng cơ cấu các ngành kinh tế. Trong khi khu vực công nghiệp - xây dựng bị thu hẹp 0,84 điểm so với năm 2021, hiện chiếm 20,42% trong tổng cơ cấu các ngành kinh tế; thấp hơn định hướng trong cơ cấu nền kinh tế của thành phố theo kỳ vọng của Đà Nẵng trong việc cân bằng các lĩnh vực kinh tế, tránh phụ thuộc vào một khu vực du lịch, dịch vụ.

Chưa hết, với kế hoạch tăng trưởng đặt ra cho các ngành như dự kiến năm 2023, ngành công nghiệp - xây dựng khả năng sẽ tiếp tục bị thu hẹp về tỉ trọng xuống dưới 20% trong cơ cấu.

Như vậy cho thấy nền kinh tế thành phố phụ thuộc nhiều vào các ngành dịch vụ cũng đã bộc lộ một số rủi ro, yếu điểm, đòi hỏi UBND thành phố cần sớm đề ra các giải pháp căn cơ nhằm chuyển dịch kinh tế bền vững hơn, đảm bảo theo đúng định hướng.

Đẩy nhanh tiến độ các khu công nghiệp, thu hút đầu tư

Trước thực tế đó, bà Phan Thị Tuyết Nhung - Trưởng ban Ngân sách HĐND TP.Đà Nẵng cho rằng, một số ngành trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, công nghệ cao cần có nhiệm vụ, giải pháp phát triển thật cụ thể, mang tính dài hạn hơn để hướng đến phát triển kinh tế thành phố theo hướng “sâu và bền vững”.

Cụ thể, Đà Nẵng đang hình thành mới các khu công nghiệp: Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh và Khu công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao; hình thành mới các cụm công nghiệp: Cẩm Lệ, Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Bắc) nhưng tiến độ triển khai trong thực tế còn rất chậm, chưa đáp ứng nhu cầu tiếp cận đất đai, thu hút đầu tư trên địa bàn.

Bên cạnh đó, UBND thành phố cần đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng; khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, hoàn thành dứt điểm 2 hồ sơ giải tỏa còn lại và đưa vào khai thác vận hành Cụm công nghiệp Cẩm Lệ.

Các đơn vị cần hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Hòa Cầm-giai đoạn 2 trong năm 2023; tiếp tục bám sát các bộ, ngành Trung ương để tiến hành tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến chủ trương đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Hòa Ninh, Hòa Nhơn; nghiên cứu, đề xuất triển khai hoàn thành việc chuyển đổi Khu phụ trợ dự án Khu công nghệ cao Đà Nẵng thành Khu công nghiệp hỗ trợ Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Phấn đấu hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng các cụm công nghiệp Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam trong năm. Đề nghị sớm rà soát, đánh giá lại các giải pháp, chính sách thu hút đầu tư, nhất là thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI)...

Ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành uỷ cho biết, Đà Nẵng chọn chủ đề năm 2023 là “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội” nên kỳ họp lần này sẽ thảo luận, đề xuất các giải pháp thiết thực, khắc phục tồn tại để thành phố tiếp tục phát triển.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị HĐND thành phố cụ thể hóa các chủ trương, chính sách lớn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực cho phát triển thành phố trong thời gian đến.

“Khi xem xét, thông qua kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, đề nghị HĐND TP xem xét, lựa chọn những công trình, dự án thật sự cần thiết, cấp bách, có tính khả thi cao để đảm bảo nguồn lực khi triển khai thực hiện. Tránh việc đầu tư dàn trải, không hiệu quả và khắc phục chậm giải ngân vốn đầu tư công” - ông Quảng nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn