MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân Đà Nẵng chuẩn bị thang để trèo lên mái nhà trong trường hợp khẩn cấp. Ảnh: Nguyễn Linh

Đà Nẵng tập trung ứng phó với mưa lớn và sạt lở đất

Nguyễn Linh LDO | 13/10/2023 11:22

Trước thông tin thời tiết xấu, các địa phương là điểm nóng ngập úng ở Đà Nẵng đã chủ động ứng phó mưa ngập bất thường.

Nạo vét kênh mương, trang bị áo phao cho người dân

Khu vực tổ 35, 36 (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu TP Đà Nẵng) bị ngập nặng nhất trong mùa mưa năm 2022.

Trong mùa mưa năm nay, khi TP Đà Nẵng có mưa to và rất to, tại tổ 35, 36 phường Hòa Khánh Nam, nước bắt đầu dâng cao. Người dân kê cao đồ đạc, chuẩn bị sẵn sàng các phương án di dời khi có mưa to, ngập sâu.

Theo ông Bùi Trung Khánh - Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, bắt đầu mùa mưa, UBND phường đã trang bị phao, xuồng và dây thừng, phòng khi nước dâng cao, kịp thời ứng cứu.

Trong khi đó, tại phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) hiện có Dự án tuyến cống thoát nước Khe Cạn là công trình trọng yếu của thành phố, nhằm mục tiêu thoát nước và xử lý nước thải, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể hoàn thành. Dự án thoát nước tạm không đảm bảo khiến khu vực này thường xuyên ngập nặng khi có mưa to.

Tại khu vực tổ 26, 27 là điểm ngập úng nặng nề nhất trong suốt nhiều năm qua. Đỉnh điểm nước dâng cao người dân phải dùng thang để trèo lên nóc nhà.

Bà Lê Thị Nhật Diệu - Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Tây - cho biết, ngay từ đầu tháng 9, địa phương ra quân nạo vét cống rãnh, kênh mương để khơi thông dòng nước, tránh tình trạng ngập cục bộ.

“Đối với khu vực tổ 26, 27, khi có mưa to, chúng tôi sẽ tiến hành di dời người dân đến Trường Tiểu học Lê Văn Tám để đảm bảo an toàn cho người dân”, bà Lê Thị Nhật Diệu nói.

Người dân ở vùng trũng của TP Đà Nẵng được trang bị áo phao ngay từ đầu tháng 9. Ảnh: Nguyễn Linh

Đà Nẵng sẽ có mưa lớn trên 300mm

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực trung Trung bộ, trong 3 giờ đầu ngày 13.10, TP Đà Nẵng có mưa to đến mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 50-130mm.

Trong 24 giờ đến 48 giờ tiếp theo trên địa bàn TP tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi trên 350mm.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng cũng ban hành công điện Ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất.

Công điện đề nghị các quận, huyện chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán người dân.

Các ban quản lý, chủ đầu tư các công trình đang thi công triển khai phương án phòng chống mưa lũ cho các công trình, triển khai các biện pháp phòng chống ngập úng, khơi thông dòng chảy cho các khu dân cư do công trình đang thi công dở dang…

Đồng thời, Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị tiếp tục triển khai phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho đập và hồ chứa nước Nam Mỹ.

Trong đó, kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đá, đồi núi, lũ quét, ngập lụt, chủ động có giải pháp đảm bảo an toàn người và tài sản.

Các sở, ngành, UBND các quận, huyện theo chức năng, nhiệm vụ sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, mưa, lũ; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24. Thường xuyên báo cáo công tác ứng phó và tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn