MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
An toàn thực phẩm cho khách mùa du lịch là vấn đề đau đầu của nhiều địa phương. Ảnh: TT

Đà Nẵng truy xuất nguồn gốc thực phẩm qua app

Thuỳ Trang LDO | 11/08/2022 10:35

Ngành du lịch phục hồi chưa được bao lâu, thì tại TP.Đà Nẵng, vụ việc hàng chục du khách bị ngộ độc thực phẩm hồi đầu tháng 8 khiến các đơn vị quản lý đau đầu. Bài toán quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) không thể chỉ dựa vào thanh tra, kiểm tra khi hàng trăm nhà hàng mọc lên, chưa kể các hàng quán vỉa hè. Điều này đòi hỏi đơn vị quản lý nhà nước cần một phương án khả thi hơn.

34 du khách bị ngộ độc thực phẩm, không tìm ra nguyên nhân

Ngày 9.8, Ban Quản lý ATTP TP.Đà Nẵng đã có kết luận về vụ việc 34/120 người trong đoàn du khách của Quảng Ninh nhập viện tại Bệnh viện 199 hồi đầu tháng 8 với các triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, không sốt. Các bác sĩ chẩn đoán, nhóm du khách này bị ngộ độc thực phẩm.

Ban Quản lý ATTP đã thành lập Đoàn thanh tra đột xuất đối với hệ thống các nhà hàng liên quan, nơi đoàn du khách dùng bữa. Kết quả, một số nhà hàng tại thời điểm thanh tra không đảm bảo ngăn ngừa nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến trong bố trí bếp ăn; bảo quản thực phẩm trên thiết bị không bảo đảm vệ sinh…

“Tuy nhiên do không lấy được mẫu thực phẩm lưu của bữa ăn nguyên nhân nên không đủ chứng cứ kết luận nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm mà chỉ đưa ra hai nhà hàng có liên quan đến vụ việc nói trên (nhà hàng M.P, 85 đường Hồ Nghinh, quận Sơn Trà và nhà hàng T.S, 148 đường Nguyễn Tri Phương, quận Thanh Khê). Đối với các nội dung vi phạm đã phát hiện, Ban Quản lý ATTP sẽ có biện pháp xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật” - Ban Quản lý ATTP TP.Đà Nẵng thông tin.

Cần bộ công cụ để người tiêu dùng tự đánh giá 

Ông Nguyễn Tấn Hải - Trưởng ban Quản lý ATTP TP.Đà Nẵng - trao đổi, việc mất ATTP trong đợt cao điểm mùa hè này đã được đơn vị dự báo từ trước. Bởi, trong mùa nắng nóng, vi sinh vật phát triển thuận lợi. Bên cạnh đó, thực trạng hiện nay là nguồn nhân lực của các cơ sở cung cấp dịch vụ thực phẩm đang có những biến động, đồng thời, sự bùng nổ của các điểm đến và lượng du khách lớn khiến cho việc phục vụ bị quá tải.

Trên các nhận xét, đánh giá đó, ban quản lý đã làm rất sớm và nhiều việc nhằm đảm bảo ATTP từ truyền thông đi trước, thanh tra, kiểm tra. “Chúng tôi còn có danh sách 200 đến 300 cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống cần quan tâm, theo dõi, phối hợp Sở Du lịch mời những người ở các cơ sở đó lên đào tạo, huấn luyện về ATTP. Tuy nhiên, làm nhiều như vậy vẫn không tránh được những vụ việc xảy ra như vừa qua, một trong hai nhà hàng liên quan đến vụ 34 du khách bị ngộ độc thực phẩm không xuất trình được giấy phép kinh doanh và chứng nhận ATTP” - ông Hải nhìn nhận.

Để trả lời cho câu hỏi làm sao chấm dứt được vấn đề mất ATTP, Trưởng ban Quản lý ATTP TP.Đà Nẵng cho rằng, về phía Ban quản lý cần tạo ra bộ công cụ truy cập dễ dàng để khiến các cơ sở làm sao để ATTP gắn liền với thương hiệu của mình. Người tiêu dùng sẽ có quyền đánh giá cũng như “trừng phạt” khi xảy ra sự việc nào đó. Phải tạo được sân chơi bình đẳng như vậy để người tiêu dùng nhận diện được nơi nào đảm bảo ATTP.

Qua vụ việc 34 du khách bị ngộ độc vừa qua, có thể thấy việc thanh kiểm tra gần như “không ăn thua” với con số hàng trăm, thậm chí cả nghìn cơ sở ăn uống mọc lên trong mùa du lịch. Mà dù có thanh kiểm tra được tất cả cũng không thể túc trực cả ngày, nhất là đối với các cơ sở không chú trọng việc ATTP.

Ông Hải cho biết thêm, trước thực tế đó, hiện Ban quản lý đã ban hành bộ tiêu chí về các chợ đảm bảo ATTP với 18 chợ đã đạt để công bố cho người dân, du khách được biết. Ban quản lý cũng ban hành bộ tiêu chí xếp hạng về ATTP từ 1 đến 5 sao và sẽ được thực hiện đồng thời trong các cuộc thanh kiểm tra mà không phát sinh bất kỳ thủ tục hành chính nào cho các bên liên quan nhưng sẽ giúp các cơ sở ý thức về vấn đề ATTP, người dân nhận diện được đâu là cơ sở đảm bảo.

“Hiện nay, dữ liệu của Ban quản lý cũng đã được công khai. Trong đó có ghi lại lịch sử thanh kiểm tra, ghi nhận lại những cơ sở đảm bảo hay vi phạm ATTP. Thành phố cũng đã cho Ban quản lý xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm qua app trên điện thoại. Với app này, người tiêu dùng từ người dân đến du khách có thể truy xuất nguồn gốc thực phẩm. 3.500 cơ sở hiện nay cũng đã có mã QR code, khách hàng có thể đánh giá sau khi sử dụng dịch vụ tại các cơ sở cung ứng thực phẩm này như một cách tham gia vào công tác đảm bảo ATTP của thành phố” - ông Hải cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn