MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Kỳ 2: Làm ăn lớn, chịu đầu tư, mới thành công

Phóng sự của Nhật Hồ - Trần Lưu LDO | 16/11/2016 09:07
Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, cùng một cánh đồng nhưng có quá nhiều người sở hữu, điều này  khiến cho nông nghiệp ĐBSCL không lớn lên được. Và nông dân càng sản xuất càng nghèo... 

Những sự thật xót lòng

Lương An Trà là xã vùng sâu của huyện miền núi Tri Tôn (tỉnh An Giang). Từ những trước giải phóng, vùng đất này đã được ví như nơi “rừng sâu nước độc”, đất đai hoang hóa ngút ngàn, nhiễm phèn nặng - như không phải dành cho sự sống. Thời làm kinh tế mới, lớp lớp người dân đổ về đây khai hoang, lập nghiệp, rồi cũng chừng ấy người phải bỏ đi, chỉ những ai cố cựu, quen với sự khắc nghiệt của thiên nhiên mới bám trụ được. 

Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế mới, khai hoang mở đất, một dự án mang tên Kinh Tuần Thống - T5 ra đời. Dự án đã đào kênh thủy lợi dài 37.535 mét, qua hai tỉnh An Giang và Kiên Giang làm sống lại vùng đất rộng hàng chục ngàn ha. Đất đai canh tác ngày càng thuận lợi hơn, nhưng cái khó, cái nghèo vẫn chưa buông tha người nông dân nơi đây. Bà Nguyễn Thị Bé, 68 tuổi, ấp Ninh Phước, xã Lương An Trà chép miệng thở dài: “Tui sống ở đây từ nhỏ đến giờ, chứng kiến bao sự đổi khác. Từ chỗ đất không thuận người đến người chinh phục được đất, nhưng chưa ai giàu lên từ đất”. 

Ông Sáu Đức bên vườn ươm chuối cấy mô

Đề chứng minh cho lời nói của mình, bà đem người con ruột ra dẫn chứng: “Thằng Nguyễn Văn Cỗi con tôi, chứ có ai xa lạ gì đâu. Cưới vợ cho nó xong tôi cho 6 công đất ruộng. Quần quật mấy năm trời không đủ ăn, hai vợ chồng rời quê lên Bình Dương làm công nhân, bỏ lại hai đứa cháu cho tôi nuôi. Tôi già cả thế này lấy tiền đâu nuôi hai đứa cháu nên cho một đứa lớn nghỉ học rồi. Tội nghiệp nó ham học lắm nhưng tiền đâu mà lo cho chúng nó học hành đàng hoàng?” - giọng bà Bé trầm buồn.


Dĩ nhiên là tôi không tin lời bà Bé, bởi không phải vì nghèo mà để cho con thất học. Và phía trái tôi là cánh đồng bạt ngàn lúa, những hạt lúa vàng rực trải dài ngút chân trời. An Giang, Đồng Tháp là hai tỉnh có sản lượng lúa nhiều nhất nước mà nông dân lại không tiền cho con đi học, quả là điều không thể nào chấp nhận được. Như biết tôi không tin vào lời bà Bé, chị Nguyễn Thị Thiệt phân tích “Tại các chú không biết đấy thôi, chớ cái xứ sở này,  con cái lập gia đình, đất chỉ cho con trai thôi. Con gái không được chia đất đâu. Nhà nào cũng có năm bảy người con, để chung thấy nhiều, nhưng chia ra thì ít lắm. Tôi nè, lấy chồng cha mẹ chồng cho được 15 công đất. Tích cóp nhiều năm mua thêm 15 công nữa mới được 30 công đất (tương đương 3 ha) nhưng sống còn chật vật lắm”. Người như chị Thiệt được xem là khá ở xóm Cầu Đá này, bởi có hai con học đại học. Họ có biết đâu, cho đến bây giờ, chị vẫn còn nợ ngân hàng 50 triệu đồng do phải vay tín dụng sinh viên cho con ăn học chưa trả được.

Từ Tri Tôn ( An Gang) xuôi về Thị xã Châu Đốc rồi qua phà An Hòa qua Đồng Tháp để về huyện Tam Nông, rẽ qua Đồng Tháp Mười ra Quốc lộ 1A, chúng tôi như lạc vào những cánh đồng lúa mênh mông. Hàng loạt các dự án đã đầu tư cho ĐBSCL nhằm vực dậy vùng đất trũng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên như chương trình vượt lũ, ngọt hóa Tứ giác Long Xuyên, rửa phèn vùng Đồng Tháp Mười… Những dự án lớn đã làm cho vùng đất này phát triển vượt trội so với các địa phương khác. Trình độ sản xuất của người dân đã từng bước nâng lên. Những cánh đồng một màu - minh chứng cho sự liên kết sản xuất tại nơi đây. Dẫu vậy, chuỗi giá trị của hạt lúa vẫn chưa được nâng lên so với tiềm năng của vùng đất.

Những điểm xé rào 

Dù đã hẹn trước, nhưng ông Nguyễn Văn Trải, giám đốc HTX Phú Cường, huyện Tam Nông, Đồng Tháp, kêu chúng tôi ngồi chờ vì đang bận tiếp khách. Khách về, ông sởi lởi “Các anh thông cảm nghen, đại diện siêu thị họ hỏi tìm hiểu kỹ quá, hỏi nhiều quá khiến các anh chờ lâu”. Ngồi trong phòng có máy điều hòa,  ông Trải kể về HTX mà mình được bầu làm giám đốc như một sự tình cờ: “Tại tôi ham nói, ham có ý kiến nên phát biểu dữ lắm. Có đất, có nhân công mà tại sao dân lại nghèo. Do mình không tin vào nhau chứ gì. Phải làm thủy lợi, làm đê bao, xuống giống đồng loạt, cùng loại giống, có đầu ra… Ai cũng biết vậy, nhưng làm sao để người dân tin mà sẵn sàng gia nhập vào HTX? Vậy nên, phải đổi mới hình thức hợp tác, làm cho các xa viên thấy gia nhập HTX có lợi hơn sản xuất không hợp tác”. Ông nói cứ như  đang phát biểu trong đại hội xã viên. “Vậy đó, tui phát biểu vậy, nên bị ép làm giám đốc HTX từ 2012 tới giờ luôn”.
Lận đận với cây lúa từ khi mới xuất ngũ về vùng đất này khai phá, rồi ông có đất sản xuất do ông mượn, thuê đất để trồng lúa. Năm 1988 lần đầu tiên được 600 giạ lúa. Mừng quá ông chở từ cánh đồng nước ra đê bao. Ham lúa quá nên chất đầy ghe, không ngờ ra gần đến bờ đê, nước sâu, ghe phá nước chìm “May mà tôi bồng được đứa nhỏ lên bờ, chớ không thôi nó chìm theo ghe lúa luôn rồi”, ông Trải nói.

Cánh đồng được tổ chức sản xuất đồng loạt tại ĐBSCL

 

Khi có trong tay 12 ha lúa, ông bắt đầu làm ăn lớn. Cái khó của người nông dân là khi làm ra hạt lúa thường bị người mua ép giá. Bực mình ông vận động mọi người làm bờ bao hết, sẵn sàng mất một ít đất, nhưng bù lại là giao sạ giống lúa đặc sản. Khi thu hoạch bán được giá cao. Với kinh nghiệm này, về lãnh đạo HTX Tân Cường, có đến 1.200 ha ông phát triển mạnh 9 loại hình dịch vụ cho HTX: Từ sản xuất giống đến xay xát, tín dụng nội bộ, cung cấp nước sạch… đều được khép kín. Nói về cái nghèo của người nông dân và chuyện tích tụ đất đai, ông phân tích rất chi tiết: “Mỗi hộ 2 ha làm ruộng là chỉ mới đủ ăn, không thế khá. Bởi hiện tại, với 2 ha đất mỗi năm làm 3 vụ cần phải đầu tư vào 18 triệu đồng, khi thu hoạch tổng doanh thu hơn 40 triệu đồng. Trừ chi phí người trồng lúa chỉ còn lãi 22 triệu đồng. Đó là chưa tính tiền lãi phải trả cho ngân hàng do phải thế chấp vay vốn sản xuất. HTX đã thấy được điều này nên đứng ra thuê ruộng của nông dân để sản xuất với mức giá từ 28 – 32 triệu đồng/ha/năm”. 

Những người cho HTX thuê đất  có tiền một lần/năm (thuê 3 năm). Không còn đất sản xuất họ vào khu công nghiệp Hoàng Long gần đó làm công nhân. Chính vì vậy, họ không mang tiếng ở nông thôn mà không đất, bởi đất vẫn còn đó, chẳng mất đi đâu. Về phía HTX cũng được lợi, do có thêm đất, HTX áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất, đáp ứng được đơn đặt hàng của khách hàng. Ông Trải phân tích “Hiện tại HTX đang thuê của nông dân 70 ha theo hình thức này trong tổng số 1.200 ha HTX hiện có. Ngay như đất nhà tôi 12 ha tôi cũng cho HTX thuê để sản xuất. Đối với người nông dân ít đất, việc cho HTX thuê có lợi rất nhiều, vì HTX đứng ra cải tạo đất cho nông dân sau 3 năm giá trị đất sẽ tăng lên rất cao. Nếu trả lại họ, họ đem bán cũng có giá hơn xưa”.

Cho thuê đất sản xuất đã được tỉnh Đồng Tháp “bật đèn xanh” từ nhiều năm nay. Họ không thông qua chính quyền địa phương để cam kết, chứng thật, mà thông qua HTX “làm chứng” cho chuyện có cho thuê đất nông nghiệp.  Cũng tại xã Tân Cường, Nguyễn Văn Khanh tìm cho mình một hướng đi khác trong việc trồng lúa. Thay vì sản xuất chú trọng đến sản lượng, ông tập trung vào việc trồng lúa Nhật. Để có diện tích đủ lớn ông “mua” lại tất cả số đất của anh  em trong gia đình được tổng công 80 ha từ năm 2013. Do sản xuất thuần chủng trên cánh đồng lớn, nên khi thu hoạch lúa nhiều doanh nghiệp vào đây tranh mua với giá cao hơn lúa bình thường từ 200 – 300 đồng/kg. Năm đầu tiên ông Khanh thu về 6 tỉ đồng, trừ chi phí còn lãi trên 2 tỉ đồng. Vụ hè thu năm nay ông canh tác 120 ha đất trồng toàn lúa Nhật. Để có số đất này ông cũng đoi thuê của nông dân trong vùng như HTX Tân Cường. Ông Thái Văn Thành có đất cho ông Khanh thuê bộc bạch “Mình cũng có ruộng, nhưng làm không trúng do diện tích ít không đủ vốn đầu tư nên cho anh Khanh thuê lại. Tính ra vẫn lời hơn tự mình sản xuất”.

Trong một lần thăm cánh đồng lúa Nhật của anh Khanh, Bí Thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, Lê Minh Hoan cho rằng, chỉ có hợp tác sản xuất mới đưa người nông dân từ chỗ khó khăn đến khấm khá; chỉ có những người làm ăn lớn, chịu đầu tư mới thành công. Và thành công này họ sẽ đầu tư ngược lại cho ruộng đồng, chia sẻ lợi ít với người ít đất.

Nhìn những cánh đồng một màu vàng óng, tôi biết rằng dẫu có cho tích tụ hay không thì ĐBSCL cũng đang có những người gom đất để sản xuất. Liệu họ có phải là những người “cầm đèn chạy trước ô tô” hay không. Bản thân họ cũng không biết nữa. Họ chỉ tin rằng việc làm của mình là đúng vì đã đem đến lợi ích cho địa phương, người dân nghèo trong vùng.
Một cơ chế mới cho đồng đất đồng bằng cất cánh đang được mong mỏi đợi chờ từng ngày.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn