MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sân vận động Chi Lăng Đà Nẵng bỏ hoang hơn 10 năm. Ảnh: Vinh Tùng

Đà Nẵng xin giữ lại sân vận động Chi Lăng, ngân hàng nói cần hơn 8.000 tỉ đồng

THÙY TRANG LDO | 20/03/2024 19:49

TP Đà Nẵng muốn bỏ tiền ngân sách để giữ lại sân vận động Chi Lăng, tuy nhiên con số mà ngân hàng đưa ra là 8.000 tỉ đồng, cao gấp nhiều lần số tiền địa phương từng nhận khi chuyển nhượng. Trong khi đó, sân vận động Chi Lăng đang là tài sản thi hành án, Đà Nẵng không thể can thiệp gì hơn.

Ngày 20.3, tại họp báo quý 1 năm 2024 do UBND TP Đà Nẵng tổ chức, ông Võ Nguyên Chương - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - đã có trao đổi về thực trạng sân vận động Chi Lăng, nơi đã bị bỏ hoang hơn 10 năm nay do có liên quan đến vụ án của ông Phạm Công Danh.

Cuối năm 2010, UBND Đà Nẵng đã giao sân vận động Chi Lăng cho Công ty CP Tập đoàn Thiên Thanh để đầu tư xây dựng dự án khu phức hợp tầm cỡ với tổng diện tích hơn 55.000m2. Khu đất này được chia thành 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Phạm Công Danh và Công ty CP Tập đoàn Thiên Thanh mang đi thế chấp ngân hàng và bị bắt sau đó vì có sai phạm.

Vì vậy, sau hơn 10 năm, đến nay, sân vận động Chi Lăng hiện bỏ hoang vì là một trong những tài sản đang được kê biên để đảm bảo việc thi hành án với những bản án đã có hiệu lực pháp luật do Toà án Nhân dân Cấp cao tại TPHCM ban hành (năm 2017).

Đà Nẵng xin giữ lại sân vận động Chi Lăng nhưng con số hơn 8.000 tỉ đồng vượt quá khả năng của thành phố. Ảnh: Vinh Tùng

Sau khi bản án có hiệu lực, năm 2018, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ nêu rõ nguyện vọng xin phép được giữ lại sân vận động Chi Lăng.

Đến năm 2019, Tổng Cục Thi hành án thuộc Bộ Tư pháp đã tổ chức phiên làm việc giữa TP Đà Nẵng và ngân hàng Xây dựng nhưng việc thương lượng giữ lại sân vận động này bất thành.

Bởi, quan điểm của thành phố là hoàn trả số tiền mà Công ty CP Tập đoàn Thiên Thanh đã nộp vào ngân sách là 1.251 tỉ đồng khi chuyển nhượng sân vận động Chi Lăng. Tuy nhiên tại thời điểm thương lượng thì ngân hàng xác định, toàn bộ phần diện tích đất đó, Công ty CP Tập đoàn Thiên Thanh và ông Phạm Công Danh có nghĩa vụ phải trả 8.408 tỉ đồng. Trong đó, tiền đất là 4.000 tỉ, 4.008 tỉ là tiền lãi phát sinh và gần 400 tỉ tiền thế chấp 1 trong 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Như vậy, số tiền để "chuộc" được sân vận động Chi Lăng vượt xa dự định của TP Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, đây là tài sản thi hành án nên TP Đà Nẵng cũng chưa thể dùng quyền của nhà nước để can thiệp, xử lý các vấn để có liên quan.

Vướng mắc nữa với sân vận động Chi Lăng là theo kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ, việc thành phố giảm 10% tiền sử dụng đất là không đúng quy định pháp luật và cần phải thu hồi 139,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay các đối tượng có liên quan chưa nộp lại số tiền đó.

“Sân vận động Chi Lăng cùng với một số dự án còn gặp vướng mắc về pháp lý phức tạp đang được Sở tham mưu lãnh đạo thành phố có kiến nghị với Tổ công tác của Chính phủ để xin ý kiến nhằm tháo gỡ khó khăn, khai thác tiềm năng trong lĩnh vực đất đai, cho doanh nghiệp và tạo động lực cho thành phố” - ông Chương cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn