MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kiểm tra tìm nguyên nhân cua Cà Mau chết hàng loạt. Ảnh: Nhật Hồ

Đã tìm ra nguyên nhân tôm cua chết hàng loạt ở Cà Mau

NHẬT HỒ LDO | 08/04/2023 10:42
Tình trạng cua Cà Mau chết hàng loạt khiến người nuôi vô cùng khó khăn. Người nuôi cho rằng do nắng quá nóng, còn ngành chức năng xác định cua chết do nhiễm kí sinh trùng giáp xác chân tơ.

Gần thu hoạch thì lăn đùng ra chết

Ông Lê Hoàng Xám, Ấp 4, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn cho biết:  “Tình hình cua chết của vuông tôi khoảng 70%. Khi tách con cua ra thì thấy mang đen, thịt hồng cũng như những năm trước. Cua chết kéo theo tôm chết không biết nó có ăn thịt nhau hay không. Mặc dù áp dụng nhiều biện pháp nhưng hiện nay vuông tôi vẫn còn tình trạng cua, tôm bị chết”.

Hiện tượng cua Cà Mua chết hàng loạt. Ảnh: Nhật Hồ

Theo nhiều hộ nuôi, tình trạng cua chết khiến môi trường ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến con tôm nuôi trong vuông.

Ông Trần Hữu Nghĩa, Ấp 4, xã Hàng Vịnh chia sẻ: “Con nước vừa rồi tôi xổ vuông ra cua, tôm chết rất nhiều. Có nhiều con khi xổ ra còn sống, sau khoảng thời gian hơn 30 phút thì nó cũng chết. Ngoài ra, khi xổ vuông cạn nước, bơi xuồng đi vớt cua, tôm bắt gặp cả cá cũng có chết”.

Anh Lê Văn Tính, cán bộ khuyến nông xã Hàng Vịnh cho biết, cá nhân anh nuôi hàng chục ha, nhưng khi thu hoạch chỉ đạt vài phần trăm, còn lại chết sạch.

Xã Hàng Vịnh có 580 hộ nuôi chuyên canh hải sản, trong đó có hơn 500 hộ chuyên nuôi cua tôm kết hợp, 180 hộ chuyên nuôi cua. Ban đầu, con cua đen mang, thịt luộc lên vẫn đỏ, vớt lên mới chết. Sau đó, xuất hiện tình trạng cua chết hàng loạt, trôi dạt vào bờ, vào lú.

Người dân cho rằng, cua chết hàng loạt do nắng quá nóng, có ngày nhiệt độ lên đến trên 30 độ.

Khó khắc phục ngay

Ông Nguyễn Nghi Lễ, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Năm Căn cho biết: “Khoảng cuối tháng 2 đầu tháng 3 năm 2023 tình trạng cua chết lan rộng ra trên tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Năm Căn.

Mức độ thiệt hại lớn hơn nhiều so với thời điểm mới xuất hiện. Hiện nay, số lượng cua chết chiếm từ khoảng 20-30% bị bệnh trên tổng số cua thu được. Cá biệt cũng có nhiều hộ có khoảng 60-70% số cua bị bệnh trên tổng số cua thu hoạch”.

Hiện nay, chưa có thống kê chính thức con số thiệt hại và đánh giá nguyên nhân, tác động của tình trạng cua chết hàng loạt trên diện rộng ở Năm Căn. Nhưng theo nhận định của người dân và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Năm Căn, tình trạng và nguyên nhân cua chết trên diện rộng hiện nay giống tình trạng năm 2022.

Cua Cà Mau gần đến ngày thu hoạch thì lăn ra chết hàng loạt. Ảnh: Nhật Hồ

Theo kết quả xét nghiệm, nguyên nhân được xác định là do nhiễm ký sinh trùng giáp xác chân tơ.

Theo khuyến cáo của ngành chức năng, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có giải pháp phòng ngừa cũng như thuốc đặc trị đối với mầm bệnh trên.

Từ đó, ngành chức năng đã tuyên truyền, vận động người dân thực hiện một số biện pháp tạm thời để hạn chế thiệt hại như: Khẩn trương thu hoạch số cua còn lại, cải tạo vuông nuôi thật kỹ trước khi thả con giống.

Quá trình nuôi tôm, cá, cua các chất hữu cơ lắng tụ trong thời gian dài, cần phải dọn vệ sinh, tạo thông thoáng ở các kênh mương bằng cách sên vét lớp bùn dưới đáy kênh mương để tránh hiện tượng dơ đáy và phát sinh các khí độc như NH3, H2S… và tạo nên lớp đất mới cho tảo và các sinh vật phát triển nhằm làm giàu dinh dưỡng cho vuông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn