MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai (Đoàn Trà Vinh). Ảnh: Quốc hội

Đại biểu QH: Đề xuất trước kết hôn, các cặp đôi phải được giáo dục tiền hôn nhân

Đặng Chung - Cao Nguyên - Trần Vương LDO | 27/05/2020 14:59

Thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em sáng 27.5, bức xúc trước thực trạng nhiều trẻ em bị xâm hại bởi người thân, nhiều đại biểu Quốc hội đã kiến nghị, trước khi kết hôn, các cặp đôi bắt buộc phải được giáo dục tiền hôn nhân để có trách nhiệm trong chăm sóc con cái.

Phạt thật nặng đối với người thân thiếu trách nhiệm

Ngày 27.5, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai (Đoàn Trà Vinh) nhấn mạnh, bên cạnh cơ hội phát triển thì trẻ em đang chịu “ma trận xâm hại".

Thực tế các quy định đã có, cán bộ làm công tác trẻ em được bố trí, vai trò trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội cũng luôn được nhấn mạnh, kẻ xấu bị trừng trị, nhưng làm sao trẻ có thể đỡ được nếu đối tượng xâm hại lại là người thân quen.

“Kẻ xấu có pháp luật trừng trị nếu phát hiện, tuy nhiên người bị hại sẽ không đỡ được khi kẻ hãm hại chính là những người thân yêu, kính trọng, gần gũi mình như ông bà, cha mẹ, thầy cô. Vậy giải pháp nào để người ta sống bằng phần "người" mà không phải toàn phần "con"”-  đại biểu Mai trăn trở.

Để ngăn chặn việc trẻ em bị xâm hại bởi người thân quen, theo đại biểu Mai cần có biện pháp giám sát chặt chẽ trách nhiệm ông bà, người thân; đồng thời, bản thân trẻ phải được giáo dục kỹ năng phòng, chống xâm hại, có hình phạt thật nặng đối với các người thân thiếu trách nhiệm.

Bà cũng cho rằng cần sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình, có quy định giáo dục tiền hôn nhân cho các cặp đôi đăng ký trước kết hôn, để họ biết rõ trách nhiệm trong chăm sóc con cái, sự nhẫn nại khi chung sống; để nạn ly hôn không trở thành mốt, trở thành dịch, trở thành phong trào bất chấp sự tổn thương cho con trẻ.

Về phía nhà trường, bà Mai cho rằng cần có quy định tất cả giáo viên từ mầm non đến tiểu học, trung học cơ sở phải được đào tạo các kỹ năng cơ bản, được xét tuyển kỹ lưỡng, nhất là kiến thức pháp luật về quyền con người, quyền trẻ em, một số điều cấm trong khi hành nghề.

Còn đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) dẫn số liệu từ báo cáo của đoàn giám sát nêu ra trung bình 1 ngày có 7 trẻ bị xâm hại; trong hơn 4 năm có hàng nghìn trẻ em bị xâm hại tình dục, hàng trăm trẻ tử vong, nhiều vụ chưa được phát hiện kịp thời. Ông cho rằng đây là con số đau lòng cho thấy “khoảng tối” trong công tác bảo vệ trẻ em.

Trẻ em bị xâm hại - chưa thấy cấp ủy, chính quyền, cá nhân nào bị xử lý

Cũng bày tỏ rất bức xúc trước việc trẻ em bị xâm hại, đại biểu Ksor Phước Hà (Đoàn Gia Lai) cho rằng, quan trọng nhất là giáo dục nhận diện đúng và trang bị cho trẻ kỹ năng phòng, chống bị xâm hại.

Theo đại biểu, việc giáo dục kỹ năng - đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số - còn mang tính hình thức, đối phó trên giấy tờ.

ĐBQH Ksor Phước Hà (Đoàn Gia Lai) phát biểu ý kiến. Ảnh: Quốc hội

“Đến ngay cha mẹ, thầy cô giáo dục giới tính cho con em mình còn không dám nói đúng ngôn ngữ về sinh học mà cứ “cái ấy”, “chỗ đó”. Bản thân trẻ không được tiếp thu kiến thức về giới tính, về pháp luật, không biết bản thân mình được pháp luật bảo vệ như thế nào, kỹ năng được huấn luyện chỉ là: Không được đi với người lạ, không được để người lạ đụng vào người... nhưng cuối cùng đa số các vụ xâm hại là từ người thân và người quen”- đại biểu Phước Hà nói.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) đã dẫn báo cáo kết quả giám sát chỉ ra 9 nhóm nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất đã được đưa lên hàng đầu là cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ở nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức và chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc phòng ngừa xâm hại trẻ em, thậm chí một số nơi còn coi nhẹ.

Bà đặt câu hỏi: “Nguyên nhân được chỉ ra, nhưng tôi chưa thấy có cấp ủy, chính quyền, cơ quan, cá nhân nào bị xử lý khi xảy ra tình trạng trẻ em bị xâm hại tại địa phương mình quản lý”?”.  Từ thực tế này, đại biểu kiến nghị cần phải xử lý nghiêm để nêu gương và răn đe.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn