MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giun đất được người dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình kích điện bán lại cho các chủ lò mổ sấy khô và bán cho thương lái. Ảnh: Diệu Anh

Đại biểu Quốc hội: Kích giun đất làm huỷ hoại môi trường, cần xử lý nghiêm

Cường Ngô - Trần Vương LDO | 03/11/2023 18:33

Đại biểu Quốc hội cho rằng, một số đối tượng sử dụng điện để kích giun đất, bắt tận diệt giun đất bán. Điều này làm suy giảm hệ sinh vật, vi sinh vật trong đất, làm suy giảm chất lượng đất, huỷ hoại sinh thái môi trường, gây bức xúc rất lớn trong nhân dân. Vì vậy, cần quy định rõ, để xử lý nghiêm.

Kích giun đất gây bức xúc xã hội

Thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) chiều 3.11, Đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên) cho biết, Quốc hội và Chính phủ rất thận trọng và cầu thị, nhất là đối với những chính sách quan trọng, nghiên cứu thiết kế nhiều phương án, phân tích rất cụ thể ưu, nhược điểm của từng phương án, xin ý kiến các cơ quan, tổ chức liên quan và Đại biểu Quốc hội.

Về giải thích từ ngữ, theo Đại biểu Lò Thị Luyến, tại Điều 3, khoản 26 quy định: "Huỷ hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định", nội dung này giữ nguyên theo quy định của Luật Đất đai hiện hành.

Đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến. Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Tuy nhiên, bà cho rằng, thời gian gần đây, trên địa bàn một số tỉnh, người dân vì hám lợi trước mắt đã sử dụng điện để kích giun đất, bắt tận diệt giun đất bán.

Điều này làm suy giảm hệ sinh vật, vi sinh vật trong đất, làm suy giảm chất lượng đất, hủy hoại sinh thái môi trường, gây bức xúc rất lớn trong nhân dân vì những đối tượng này vào cả vườn và trang trại trồng cây để kích và bắt giun đất.

Trước tình trạng này, một số tỉnh đã áp dụng hành vi hủy hoại để xử phạt đối tượng kích giun đất, song áp dụng quy định này chưa đảm bảo tính thống nhất. Vì vậy, cần củng cố các căn cứ pháp lý để xử lý nghiêm hành vi này.

"Do đó, đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 26 như sau: Huỷ hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, làm suy giảm hệ sinh vật và vi sinh vật trong đất, gây ô nhiễm đất làm mất, giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định", bà cho hay.

Không nên quy định cứng điều kiện tái định cư

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội) góp ý về điều kiện về khu tái định cư.

Theo ông Chính, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định khu tái định cư phải đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông bảo đảm kết nối, hạ tầng xã hội bảo đảm khả năng tiếp cận dịch vụ y tế giáo dục..., phù hợp với điều kiện phong tục tập quán của từng vùng miền…

Ông Chính cho rằng, với những quỹ đất hiện nay thì khó có khu tái định cư nào đủ 3 điều kiện trên. Nếu quy định cứng trong luật, vấn đề bồi thường tái định cư trở nên khó khả thi, nhất là các thành phố lớn.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Ông Chính cũng cho rằng, việc bố trí tái định cư phải phù hợp với điều kiện phong tục tập quán của từng vùng miền là rất khó khả thi. Bởi lẽ phong tục tập quán là điều đặc trưng không địa phương nào giống địa phương nào, có người được bố trí tái định cư ngay tại địa phương nhưng cũng có người phải tái định ở nơi khác.

Do đó theo ông Chính, dự thảo Luật chỉ nên quy định những tiêu chí mang tính nguyên tắc căn bản, có tính khả thi và không quy định cứng.

Ngoài ra ông Chính cũng đề nghị rà soát liên quan đến định nghĩa "tái định cư" trong dự thảo luật, khái niệm về "người không có chỗ ở nào khác".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn