MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đại biểu Quốc hội lên tiếng việc Giám đốc Trung tâm đăng kiểm không biết chữ

Nhóm PV LDO | 07/01/2023 11:20

Tại sao lại có chuyện một ông Giám đốc Trung tâm đăng kiểm không biết đọc? Theo Đại biểu Quốc hội, là vì cơ chế quản lý trong hoạt động đăng kiểm chưa dứt mạch, chưa tốt giữa một bên là cơ quan quản lý nhà nước với một bên là hoạt động kiểm soát dịch vụ công.

Tại họp báo Chính phủ chiều 3.1, Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết ông Hồ Hữu Tài - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-17D Nhà Bè (TPHCM) không biết chữ, không đọc được và chỉ học lớp 3 cách đây 50 năm.

Nhiều người cho rằng đây là kẽ hở rất lớn đối với hoạt động đăng kiểm trong thời gian vừa qua và cần được rà soát chặt chẽ, tránh những hệ lụy tiêu cực về sau.

Trao đổi với Lao Động bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, hoạt động đăng kiểm là một loại dịch vụ công, nhưng tư nhân được phép thực hiện.

Tại sao lại có chuyện một ông Giám đốc Trung tâm đăng kiểm không biết đọc? Bởi hiện luật không quy định trình độ của chủ đầu tư đơn vị đăng kiểm, chỉ yêu cầu năng lực lãnh đạo phụ trách chuyên môn.

Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa có thể thấy là vì cơ chế quản lý trong hoạt động đăng kiểm chưa dứt mạch, giữa một bên là cơ quan quản lý nhà nước với một bên là hoạt động kiểm soát dịch vụ công (mà dịch vụ công này lại trao cho tư nhân thực hiện).

"Ranh giới phân tuyến quản lý và kiểm soát trong lĩnh vực hoạt động giữa một bên là khu vực công, một bên là khu vực tư nhân còn mập mờ; đặc biệt là năng lực quản lý bằng pháp luật, bằng thực tiễn hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động đăng kiểm còn nhiều hạn chế, tiêu cực. Cho nên mới có hiện tượng móc ngoặc, cấu kết với nhau để "móc túi" người dân thông qua nhiều thủ tục. 

Đó cũng chính là cơ chế dẫn đến việc tư nhân có thể xây dựng cho mình một vị giám đốc có lợi cho công ty, doanh nghiệp đó mà không nghĩ đến lợi cho của nhà nước, của nhân dân", ông nói.

Đại biểu Lê Thanh Vân trả lời bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Trần Vương 

Theo ông Lê Thanh Vân, cần phải nhìn nhận những sai phạm trong hoạt động đăng kiểm trong thời gian qua là một bài học sâu sắc. Trên cơ sở đó, cần đánh giá lại việc phân công sao cho hợp lý trong quản lý nhà nước về hoạt động đăng kiểm.

"Theo tôi, nên tách dịch vụ đăng kiểm ra khỏi mối liên hệ với cơ quan quản lý nhà nước. Có nghĩa là Bộ Giao thông vận tải và Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ nên kiểm soát hành vi và vấn đề tuân thủ pháp luật đối với các trung tâm và hoạt động đăng kiểm.

Kiểm soát bằng 2 công cụ: Còi và roi. Nghĩa là khi có dấu hiệu vi phạm, cơ quan quản lý nhà nước tuýt còi, thu hồi giấy phép xử phạt; còn roi là vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự thì khởi tố, xét xử theo pháp luật. Có như vậy thì hoạt động đăng kiểm mới mạch lạc được", ông Vân nói.

Vừa qua Hồ Hữu Tài, Nguyễn Thanh Phong (42 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty An Phát), Trần Thanh Vinh (51 tuổi, phó giám đốc) cùng 6 người khác thuộc Trung tâm đăng kiểm 50-17D bị Công an huyện Nhà Bè khởi tố, bắt giam.

Những người này nằm trong số 43 nghi can bị Công an TPHCM cùng các quận huyện bắt để điều tra trong vụ án Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ và Giả mạo trong công tác.

Quá trình điều tra, ông Tài, với chức danh Giám đốc Trung tâm đăng kiểm khai nhận mình không biết chữ, học đến lớp 3 cách đây hàng chục năm. Hoạt động kiểm định ở trung tâm do ông Vinh - đăng kiểm viên, Phó Giám đốc điều hành và ký giấy chứng nhận đăng kiểm cho xe cơ giới.

Lý giải tại sao ông Tài không biết chữ nhưng vẫn làm được Giám đốc Trung tâm đăng kiểm, đại diện Phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam), cho biết Trung tâm 50-17D do tư nhân đầu tư. Ông Tài là giám đốc nhưng không phải đăng kiểm viên, không phải người chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định của Trung tâm hay ký giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn